(HNNN) - Nói đến chuyện lính cao xạ đánh “pháo đài bay” B52, nhiều người sẽ bĩu môi: “Có mà đánh vào mắt. B52 bay cao 10km, pháo cao xạ 57 ly nhà các ông chỉ với được đến 6km, trần bắn của pháo 37 ly còn thấp hơn, thì đánh cái gì?”. Thế mà đánh được đấy!
Súng phòng không có nhiều loại. Loại 12 ly 7 và 14 ly 5 được coi là súng máy phòng không, mỗi phút có thể bắn hàng trăm viên đạn, nhưng chỉ bắn được máy bay bay thấp từ vài trăm mét đến vài cây số. Hai anh này mà bố trí gần mục tiêu bảo vệ, đón lõng đánh máy bay bổ nhào thì nhất. Tối 18-12-1972, Liên đội tự vệ Nhà máy cơ khí Lương Yên, Nhà máy cơ khí Mai Động và Nhà máy gỗ Hà Nội đã dùng súng phòng không 14 ly 5 bắn rơi 1 máy bay F-111 “cánh cụp cánh xòe” của Mỹ. Tự vệ nhiều nơi chơi kiểu “vỗ mặt” với các phi công sừng sỏ của Hoa Kỳ nên thỉnh thoảng lại “vít cổ” một máy bay xuống.
Có báo cáo rằng đêm 24-12-1972, Đại đội 5, Trung đoàn 256 sử dụng 6 khẩu pháo 100mm với cách đánh thông minh đã hạ một “pháo đài bay” B52. Rạng sáng 26-12, đơn vị này lại bắn rơi thêm một B52 nữa.
Vậy còn pháo phòng không 37 ly, 57 ly với tầm bắn cao từ 4 đến 6km thì đánh B52 bằng cách nào? Mỗi đại đội pháo 57 ly có khí tài được trang bị radar K-860 bước sóng 3cm. K-860 không bị nhiễu chủ động của B52 chế áp là ở cái bước sóng này. Mỗi chiếc B52, ngoài 30 tấn bom, còn được trang bị hàng chục máy gây nhiễu chủ động và bị động. Khi gần đến vùng hỏa lực của đối phương, máy phóng nhiễu bị động sẽ phóng ra hàng triệu sợi kim loại tạo thành đám mây nhiễu, sóng radar của đối phương gặp đám mây kim loại này sẽ phản xạ về màn hình, tạo thành những chấm sáng nhấp nháy dày đặc, khiến cho trắc thủ rất khó nhìn thấy tín hiệu máy bay thật trong đám nhiễu ấy. Nhưng K-860 lại “miễn nhiễm” với nhiễu chủ động của B52.
Đây là loại nhiễu do máy thu, phân tích tần số sóng radar đối phương rồi phát lại đúng tần số ấy, làm cho màn hình radar sáng lóa lên như bị đèn pha ô tô ngược chiều chiếu thẳng vào mắt, không còn nhìn thấy gì nữa. Người Mỹ chủ quan, coi thường cao xạ nên máy phát nhiễu chủ động trên B52 chỉ để “đè” sóng radar điều khiển tên lửa của ta. Đúng ra thì B52 cũng có máy phát sóng với bước sóng 3cm, nhưng lắp ở phía sau để đối phó với máy bay ta. Thành ra khi B52 bay vào, trắc thủ radar cao xạ vẫn xác định được ba dải nhiễu đặc trưng của B52, rồi truyền phần tử tọa độ B52 qua hệ thống sensor cảm biến về cho tên lửa. Trắc thủ radar tên lửa so kim chỉ chuẩn, đưa tên lửa về đúng hướng B52 bay vào. Sĩ quan điều khiển chọn phương pháp điều khiển, chế độ ngòi nổ phù hợp, rồi ấn nút phóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.