(HNM) - Theo ước tính của Khoa Khám bệnh (BV Nhi trung ương), trong tổng số trẻ đến khám tại khoa những ngày gần đây, số trẻ bị tiêu chảy chiếm hơn 30%. Cũng theo điều tra của bệnh viện này, tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ em là 650/100.000 trẻ/năm.
Thời gian qua, số bệnh nhi đến khám tại các bệnh viện tăng đột biến. Trong ảnh: Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai khám, điều trị cho một bệnh nhi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Bệnh dễ mắc và nguy hiểm
Tiêu chảy là căn bệnh thường gặp nhất và gây tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ, đặc biệt là trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi. Từ kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ cho rằng, việc xác định đúng nguyên nhân và chăm sóc trẻ đúng cách của các bà mẹ có vai trò quan trọng giúp trẻ hồi phục nhanh, ít giảm cân khi bị tiêu chảy.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy. Có khi tiêu chảy đúng nghĩa là một bệnh đường ruột, nhưng cũng có khi chỉ là triệu chứng của một bệnh khác. Trong hai loại tiêu chảy thì tiêu chảy không do nhiễm trùng thường là tiêu chảy sinh lý vào những lúc trẻ mọc răng, biết lẫy biết bò thì chỉ là một chút "trục trặc" trong sự phát triển bình thường của trẻ, không hề gây nguy hiểm. Vào giai đoạn này, nếu trẻ không sốt, không mệt, vẫn bú và chơi đùa vui vẻ thì không cần sự can thiệp của y tế. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế đều là các ca bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Theo các chuyên gia y tế, trong mùa đông, cao điểm là từ tháng 10 năm trước đến tháng 2, trẻ hay bị mắc bệnh do nhiễm phải rô ta, vi rút gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt phát triển mạnh vào mùa lạnh; còn trong mùa hè, độ ẩm tăng cao trẻ lại thường bị "Tào Tháo hỏi thăm" do ăn phải thực phẩm dễ bị ô nhiễm. Trẻ cũng có thể bị tiêu chảy sau đợt dùng kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột hay vì được chăm sóc bằng chế độ ăn không đúng cách.
Tuy là bệnh thông thường nhưng nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài, gây mất nước, mất điện giải thì cũng có thể dẫn đến tử vong. Báo cáo gần đây của Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ em là 650/100.000 trẻ/năm mà nguyên nhân phần lớn là do ăn uống, sinh hoạt kém vệ sinh, dẫn đến nhiễm các loại vi khuẩn như E.coli, Shigella, V.Cholera.
Miễn dịch tốt - "chìa khóa" ngừa tiêu chảy
Để tránh cho trẻ bị tiêu chảy và có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, các bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, nhất là biết cách phòng căn bệnh dễ mắc và nguy hiểm với trẻ nhỏ này.
Khi trẻ bị bệnh, năng lượng dành cho sự phát triển về thể chất và trí não sẽ "chựng lại" để ưu tiên tập trung cho cơ thể chống lại bệnh tật. Vì vậy muốn bé phát triển tốt về thể lực và trí lực thì sức khỏe là nền tảng vững chắc nhất. Để trẻ có sức khỏe tốt chống lại các loại bệnh tật, các bà mẹ cần quan tâm tới hệ miễn dịch, trong đó có vai trò quan trọng của việc tạo kháng thể cho cơ thể bé. Bú mẹ là cách tốt nhất để truyền kháng thể từ mẹ qua con, giúp thay thế lượng kháng thể đã giảm. Trong sữa mẹ có chứa Prebiotic, là một loại chất xơ giúp kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp trẻ chống lại các vi trùng có hại và các sinh vật khác. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà trẻ không được bú sữa mẹ hay để tăng cường hơn hệ miễn dịch cho trẻ, mẹ cần lựa chọn loại sữa có chứa Prebiotic để tăng cường sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ, giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.