(HNM) - Một ngày trước khi giải Ngoại hạng Anh 2010 - English Premier League (EPL) khởi tranh, K+ (kênh truyền hình góp vốn giữa VTV và Kênh Canal Plus của Pháp) vẫn chưa tìm được giải pháp để giải quyết mối bất hòa liên quan đến bản quyền truyền hình (BQTH) các trận đấu ngày chủ nhật của EPL (thường được gọi là Super Sunday).
Ngoại hạng Anh là giải đấu hấp dẫn nhất tại Việt Nam hiện nay |
Cho đến thời điểm hiện tại, duy nhất kênh cáp của truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTVC) đạt được thỏa thuận với K+ về việc tiếp sóng các trận đấu ngày chủ nhật. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Truyền hình Hà Nội HTV đều từ chối tiếp sóng K+ do không đồng ý với các điều khoản đi kèm.
Có một điều chắc chắn, như tuyên bố của Tổng Giám đốc K+ Cao Văn Liết, là sẽ không có trường hợp K+ chia sẻ miễn phí cho các đài. Đơn giản bởi chi phí K+ bỏ ra để mua bản quyền EPL từ MP&Silva không hề rẻ. Điều này đồng nghĩa, để có thể xem được các trận đấu ngày chủ nhật, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ vẫn phải bỏ ra một khoản tiền tương đối cao. Theo đa số ý kiến, đây là một thực tế khó chấp nhận, đặt trong bối cảnh VTV, đơn vị chiếm đến 51% cổ phần trong liên doanh K+, là một đơn vị nhà nước, được đầu tư từ tiền đóng thuế của dân.
Ở đây, chưa bàn đến mức giá mua bản quyền các đài đưa ra, rõ ràng việc các đài truyền hình của Việt Nam cạnh tranh với nhau theo kiểu mạnh ai nấy chạy đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài kiếm lời lớn. Nghe đâu riêng ở Việt Nam, MP&Silva đã kiếm được trên dưới 200 tỷ đồng từ việc bán BQTH.
Ở khía cạnh của K+, rõ ràng việc kinh doanh của nhà đài này cũng không được thuận lợi. Việc áp giá thuê bao dựa trên ưu thế độc quyền của K+ đã gây nên những phản ứng không tốt với người tiêu dùng. Ngoại trừ một số quán cà phê, nhà nghỉ… mua đầu K+ để phục vụ khách hàng, nhiều người dân tỏ ra không mấy mặn mà. Nguy cơ bị người tiêu dùng tẩy chay là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở đây, lại thấy tính cấp thiết của việc sớm thành lập Hiệp hội Truyền hình Việt Nam để qua đó thống nhất các nhà đài. Vấn đề không chỉ EPL, mà rất nhiều giải đấu thể thao khác, như Seria của Italia, La Liga của Tây Ban Nha, nếu không có giải pháp hữu hiệu, cũng sẽ rơi vào tình trạng tranh cãi không đáng có như trường hợp của giải Ngoại hạng Anh. Thiệt thòi tính trên góc độ vĩ mô, thuộc cả về các đơn vị kinh doanh và người xem. Theo Giám đốc Kênh Thể thao VTC3 Vũ Quang Huy, nếu không sớm thành lập hiệp hội, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đài truyền hình sẽ còn kéo dài. "Khi ấy, chỉ có nước ngoài là hưởng lợi. Tôi nghĩ, Bộ Thông tin - Truyền thông cần đứng ra cầm trịch thành lập hiệp hội" - ông Huy bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.