Dù tất cả mọi người đã biết rõ, tôi vẫn muốn rằng chúng ta có thể cùng nhau nhớ lại câu chuyện dã sử kể về sự ra đời của Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ - người sáng lập ra vương triều Lý mà cuộc đời từ khi xuất hiện đến lúc làm vua đầy những huyền tích kỳ lạ.
Đền Ứng Thiên ngày nay
Ảnh: P.Thảo
"Đó là chuyện kể về người con gái tên là Phạm Thị Ngà thường đi làm thuê ở chùa Ứng Thiên làng Cổ Pháp, hàng ngày quét chùa, gánh nước tưới cây, giữ vườn. Một đêm bà đun bếp, nhà sư bước qua chạm phải chân, sau đó bà thụ thai. Nhà sư sợ mang tiếng nên bảo bà đi chùa khác mà làm thuê. Một hôm trời đã tối bà đi đến chùa Gia Châu, xin ở lại ngủ nhờ. Đến khuya bà trở dạ, trời bỗng nổi mưa gió ầm ầm, có ba bà mụ đến cho thuốc. Bà sinh con trai, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa được ba năm bà bế con đến chùa Cổ Pháp. Thày chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn. Bà Phạm Thị đã để con trai lại cho thày chùa để làm con nuôi, rồi bà đi đến đồi Mả Báng thì bị bạo bệnh được mối đùn thành mả. Người qua đường thấy lạ hỏi thì trên trời đáp: "Mả mẹ vua Lý đấy". Lý Khánh Văn nuôi đứa bé rất tận tình và cho đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi lên 7,8 tuổi Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh trụ trì ở chùa Lạc Tổ (bên cạnh Cổ Pháp) dạy dỗ cho. Công Uẩn học giỏi không ai bì kịp. Vạn Hạnh là bạn của Lý Khánh Văn, cả hai đều được Phật báo mộng: Công Uẩn sau này sẽ làm vua, biết vậy nên hai người đều chăm lo dạy dỗ. Khi Công Uẩn 20 tuổi thì làm tướng võ, nhờ có tài được vua trao cho binh quyền.
Theo lời sấm ký, vua Lê Ngọa Triều bấy giờ đi tìm người họ Lý để giết vì sợ tiếm ngôi. Nhờ sư Vạn Hạnh mà Công Uẩn không bị giết, vẫn hầu bên cạnh vua mà không hề lộ Vạn Hạnh đã tạo dự luận bằng nhiều lời sấm ký của mình mà giúp thành công việc Lý Công Uẩn thay ngôi vua, hợp với lòng người lúc bấy giờ. ..TriềuLý từ đó ra đời.
Xuất phát từ truyền thuyết huyền ảo trên, với giác độ folklore ta có thể đi tới những điều đáng ghi nhận sau những hàm chứa sâu xa trong truyền thuyết:
1. Về sự ra đời khác thường của Lý Công Uẩn khiến ta có sự liên hệ tới những sự ra đời cũng rất khác thường của các ông vua từ thời Ngô, Đinh, Lê, Lý.
Chúng ta đều thấy sự tích về các vị vua ấy hình như có vấn đề gì đó mà sử sách chép lại không được rõ ràng bí ẩn? Kể từ vua Ngô Quyền, chúng ta đã cứ phải băn khoăn không rõ vị anh hùng này quê quán ở phía ngoài này hay ở quận Ái Châu, vì một lý do, một hoàn cảnh nào đó mới có mặt trong ba ngàn tráng sĩ của Dương Diên Nghệ. Vị vua Đinh Bộ Lĩnh, sử sách chép rõ ràng là con của Đinh Công Trứ, nhưng lại có thuyết nói là sớm mồ côi cha, được mẹ đưa vào ở với Sơn thần. Hoặc Đinh Bộ Lĩnh đã là con một vị quan trấn thủ, tại sao lại rất nghèo hèn đến độ phải đi chăn trâu, chơi bời với trẻ mục đồng để đánh trận giả "Cờ lau" chứ không thuộc lại gia đình dòng dõi.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng thấy việc ra đời của Lý Công Uẩn có nhiêu bí ẩn. Sử sách chép bà mẹ ông nuôi ông đến được ba tuổi thì đem tới nhà chùa giao cho sư Lý Khánh Văn nuôi. Tiếp sau đó, ông đã được sư Vạn Hạnh chăm sóc bồi dưỡng để trở thành tài. Cũng chính nhà sư Vạn Hạnh đã tạo nên sấm ký, cùng những dư luận trong dân chúng để chuẩn bị cho lý Công Uẩn giành cho được ngôi vua, thay thế vị vua Lê Ngoạ Triều bất tài, vô dụng của triều Lê. Đối với Lý Công Uẩn, sư Vạn Hạnh là một người thầy đồng thời lại như một người cha ngay từ buổi đầu trứng nước của mình. Chính Vạn Hạnh đã là người khuyên ông nên đi lánh nạn khi bị họ Lê tầm nã triệt hạ. Nhờ vậy mà sau này khi Lý Công Uẩn lên ngôi, công thành danh toại, vua đã trả ơn sư Vạn Hạnh bằng cách phong cho ông làm Quốc sư, khi ông mất Vua lại thân đến viếng (1028). Đến đời vua Lý Nhân Tông vẫn được sùng kính nhắc tới
Những chi tiết đáng lưu ý nói trên đã đưa đến cho chúng ta một câu hỏi: Tại sao? Tại sao theo chuyện kể thì chính thức Lý Công Uẩn được bà mẹ giao cho nhà sư Lý Khánh Văn. Song đến sau này khi Lý Công Uẩn lên ngôi thì ta thấy Lý Khánh Văn đã không được nhắc tới, ngoài cái họ Lý mà vua mang cũng như không thấy nói Lý Khánh Văn được hưởng đặc quyền đặc lợi gì mà đối với người có công nuôi dưỡng vua từ tấm bé đáng lẽ ra phải được hưởng. Và tất cả những điều ưu đãi như đã nói trên được dồn cả vào nhà sư Vạn Hạnh. Vậy điều chắc chắn giữa bà mẹ, Lý Công Uẩn cùng hai nhà sư có những mối liên hệ mật thiết, nhưng giữa hai người ai đáng được có sự liên hệ nhiều hơn, sâu xa hơn?
2. Câu chuyện về một người phụ nữ không chồng mà có con, sinh con, ròi sau đó vì sợ dị nghị không biết đưa con vào đâu mà phải đem con đến chốn nhà chùa gửi nhờ là chuyện thường thấy, thường được kể trong dân gian xưa nay. Đến thời kỳ Lý Công Uẩn xuất hiện - thế kỷ X- vùng đất Cổ pháp, quê hương của hai mẹ con Lý Công Uẩn đã trở thành thánh địa của Phật giáo, các vị sư danh tiếng (Lục Tổ) đều xuất hiện ở đây. Việc giảng dạy thuyết pháp của các sư trong dân chúng giờ đây chắc chắn đã là phổ biến. Và như vậy thì nếu có những quan hệ thầm kín giữa một vị sư nào đó với một cô thôn nữ, hẳn cũng là chuyện có thể xảy ra. Đứa trẻ sinh ra, được gửi vào nhà chùa là được chỗ an thân, đồng thời người mẹ cũng sẽ yên tâm về con mình sau này sẽ được học tập giáo lý của nhà Phật - mà thời kỳ này dường như là một thứ quốc giáo.
Ở đây điều đặc sắc của người con gái họ Phạm mà chúng tôi muốn được nói tới là bà đã có một cặp mắt thật tinh đời, chọn được người để gửi gắm đứa con mình. Bằng công lao và trách nhiệm, nhà sư Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh đã chăm lo cho Lý Công Uẩn nên người và thành đạt. Ngày nay, ngẫm lại chúng ta phải xembà thật sự là người phụ nữ có một nhãn quan sâu xa.
3. Điều cần nói thêm nữa là, những người phụ nữ ở đầu thế kỷ này, không hiểu vì sao đều là những phụ nữ Việt Nam xuất sắc. Truyền thống ấy ngay từ những ngày đầu của lịch sử nước ta đã được chứng kiến những gương như Bà Trưng (thế kỷ I), Bà Triệu (thế kỷ II) và suốt quá trình trường tồn của đất nước, những tấm gương liệt nữ ấy đã có tác động như một sức mạnh tiềm ẩn trong những người con gái Việt Nam.
Chúng tôi cũng muốn kể thêm ở đây một mẩu chuyện dân gian khác, cũng là gián tiếp nói lên cái tinh đời, cái tài giỏi của bà mẹ Lý Công Uẩn và của chính ông. Đó là: Nếu có ai về xã Tam Đảo huyện Yên Phong (Hà Bắc) chắc được biết ở đây có một ngôi đền, tên gọi là đền Tam Đảo. Đền thời một vị thần có công thần phù trợ Lý Công Uẩn. Chuyện kể rằng vua Lê đã từng được người báo cho biết là ở đất Đình Bảng (Châu Cổ pháp) có người họ Lý sẽ có thể cướp ngôi nhà Lê. Trong một dịp cho dân chúng làm công việc thổ mộc, vua Lê lại được thần nhân báo mộng rằng nhan tài ấy đang ở trong đám dân phu. Vua Lê đã cho người tầm nã trong đám đó mà không thấy, vì chính Lý Công Uẩn biết tin vua bắt người họ Lý nên đã bỏ trốn đi. Truyền rằng Lý Công Uẩn được Phạm Thị khuyên nên lánh nạn sang vùng Tam Đảo mà trốn. Vua Lê bèn sai người đuổi theo nhằm giết đi. Lý Công Uẩn trên đường chạy trốn chạy vào nhà một lão nông. Ông lão đã đào hầm để Lý Công Uẩn chui xuống, rồi bên trên miệng hầm ông đặt một vại nước che lại. Do vậy quân do thám của vua Lê dù cũng tìm đến vùng Tam Đảo mà không thể nào tìm thấy được Lý Công Uẩn. Vua Lê sai người xem bói. Thày bói phán "thuỷ tại nhân thượng" (nghĩa là: nước ở trên người). Vua Lê nghe vậy cho là Lý Công Uẩn đã chết đuối nên không truy tìm nữa.
Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn nhớ ơn người lão nông nên cho lập đền thờ, bao đời nay dân làng Tam Đảo huyện Yên Phong hương khói để tưởng nhớ công lao cứu giúp vua Lý của vị lão nông này.
Câu chuyện khuyên Lý Công Uẩn lánh nạn lên xã Tam Đảo của bà Phạm Thị Ngà đã chứng tỏ lòng người mẹ dù có gửi gắm con nơi cửa Phật song bà vẫn còn được một sự dõi theo với đầy linh cảm sáng suốt của mình. Chắc rằng, từ trong buổi bình sinh tuổi niên thiếu của Lý Công Uẩn, bà mẹ đã ý thức được tài năng cùng thiên hưóng của ông. Khuyến khích cho con học tập với Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh, ngoài công sinh thành, bà đã có công lao không phải nhỏ trong việc tạo dựng cho Lý Công Uẩn một bản lĩnh khác vời để đạt tới một số phận thật vinh quang và rực rỡ. Nhờ người mẹ của mình, nhờ những người dân quê hương, Lý Công Uẩn đã thoát được sự truy bức của vua Lê mặc dù ông vua này đã cảnh giác đến cao độ đối với người mang họ Lý. Và kết quả, Lý Công Uẩn đã lánh mình được an toàn, mãi về sau ông mới ra làm quan, đợi được đến lúc thời cơ cho phép thi thố tài năng, lập nên được một vương triều Lý vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Là người con gái của dân dã, của vùng đất có những thiếu nữ quanh năm chăm chỉ làm ruộng, cấy lúa, trồng rau màu, trồng dâu nuôi tằm, canh cửi…bà mẹ của vị vua Lý đã không được sử sách ghi chép gì hoặc ghi chép không đầy đủ. Phải mãi đến khi nhà Lý đã được khẳng định, ta mới được biết đến bà là một cách sơ lược và quá muộn mằn. Song trải gần một nghìn năm qua, tại quê nhà thôn Dương Lôi - bà vẫn được dân làng nhớ ơn và sùng kính. Trong tâm linh và tín ngưỡng dân gian bà Phạm Thị Ngà đã là thần mẫu của nhân dân làng Dương Lôi và của cả nhân dân quanh vùng Đình Bảng - Cổ Pháp. Đối với chúng ta ngày nay cũng cần phải nhìn nhận bà như một vị trí quan trọng trong việc tạo sinh ra một nhân cách lớn như Lý Công Uẩn. Việc tìm hiểu truyền tích cùng sự ngưỡng vọng, sùng kính vị thần mẫu này thật sự là một việc làm cần thiết và hữu ích. Điều đó nhắc nhở chúng ta luôn nhớ tới những Người Mẹ - những người phụ nữ cao cả đã có công tạo ra giống nòi, sinh ra những người anh hùng làm nên lịch sử vẻ vang của đất nước.
Nguyễn Thị Huệ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.