(HNM) - Chỉ tính riêng họ của người Kinh ở miền Bắc và Hà Nội đã có trên 200 dòng họ. Có họ gốc, có họ mới và mỗi họ có niềm tự hào hay nỗi niềm riêng, tất cả đan xen vào nhau làm nên một Thăng Long - Hà Nội.
Chuyện rời bỏ làng quê là việc rất lớn, không chỉ liên quan đến sự sống trước mắt, tương lai của một gia đình mà đôi khi của cả dòng họ. Nếu không có lý do, họ khó có thể rời lũy tre làng vì "Lợi gấp năm lần mới chuyển nghề, lợi gấp mười lần mới chuyển nhà".
Họ Tống, Lê, Trịnh rời Tống Sơn (Thanh Hóa), Hoa Lư (Ninh Bình) ra định cư ở Ngọc Hà từ thế kỷ XI vì các họ này có công với nhà Lý, và chính nhà Lý đến đất mới Thăng Long cũng cần những dòng họ như vậy. Họ Bùi rời Thái Bình lên định cư ở ngõ Phất Lộc vì có người trong họ đi xem bói, biết rằng Thăng Long là đất tốt cho học hành và làm ăn nên họ ra đi. Nhưng cũng có họ đặt cược tính mạng và số phận liều mình đến Thăng Long, họ là những người can đảm và bản năng sống vô cùng mãnh liệt. Sử gia người Pháp Philippe Papin viết trong cuốn "Lịch sử Hà Nội" thì người đầu tiên của gia đình họ Phó sinh ra ở Phúc Kiến rời Trung Quốc năm 1591 cùng vợ và 5 trong số 7 người con trai. Lúc đó Đại Việt có chiến tranh nên gia đình này đã phân tán sống tại ba làng cách kinh kỳ vài mươi cây số, duy chỉ người con út liều mình vào Thăng Long định cư ở phía nam hồ Tây. Một thời gian sau, người con khác cũng chuyển đến sống tại làng nhỏ phía Tây bắc Thăng Long. Tất cả 5 người con đều lấy vợ Việt Nam khiến họ nhanh chóng hòa nhập với đời sống xã hội Đại Việt. Chỉ trong vòng 10 năm, đại gia đình này đã được Việt hóa và bốn chi chia ra sống ở bốn nơi. Thế kỷ XVII, XVIII, dòng họ Phó thử tham gia vào xã hội thượng lưu nhưng không mấy thành công. Chỉ có người con trai thứ bảy của cụ Phó Đức Cơ (1624-1707) người từng giữ chức trợ lý cho quan huyện là lên được ngạch ba trên hoạn lộ và giữ chức vụ quan trọng ở Bộ binh. Các gia đình họ Phó sống chủ yếu bằng thương mại. Cuối thế kỷ XVIII, một người thuộc thế hệ thứ 9 trong gia đình mở một cửa hàng bán thuốc Bắc tại Thăng Long, cháu ông và sau đó là các thành viên khác trong gia đình đã tiếp nối nghề này. Nói chung các gia đình họ Phó sống ở Thăng Long buôn bán hay sản xuất khá thành công. Một người của dòng họ là Phó Đức Chính (1907-1930) từng là thành viên của Việt Nam quốc dân đảng bị kết án tử hình sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và tên ông được đặt cho con phố nằm phía bắc hồ Tây ngày nay.
Làng Yên Phụ xưa (nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) có 3 họ là Ngô, Vũ và Quách. Họ Ngô là con cháu Trần Tuân bị giết trong những năm quý tộc nhà Lê Sơ sát hại lẫn nhau đầu thế kỷ XVI nên phải đổi thành họ Đặng, sợ con cháu đời sau quên họ gốc nên lấy đệm là Trần. Đặng Trần tản ra nhiều nơi. Nhưng Thăng Long luôn như thỏi nam châm lúc nào cũng hút dân tứ chiếng. Họ này có chi ở Chúc Sơn (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã quay về Yên Phụ làm con nuôi họ Ngô, để giấu tung tích lại đổi từ Đặng Trần sang Ngô Đặng, xóa dấu tích họ Trần. Còn họ Vũ thì gốc là họ Lê, vì trong họ có người tham gia chống nhà Nguyễn nên khi nhà Lê mất ngôi, sợ bị truy sát phải đổi theo họ ngoại thành Vũ nhưng gia phả vẫn chép là Lê Vũ.
Thăng Long không có đất hoang, ruộng này, đất kia không của nhà chùa thì cũng là của làng và nếu không tư điền thì là đất công nhưng nếu khéo thu xếp vẫn có miếng đất "chó ỉa" để buôn bán. Kinh đô có "phép vua" nhưng phép vua có nghiêm, có ngặt thì vua vẫn ở xa nên thua "lệ làng". Thế nên Thăng Long luôn là đích đến của không ít cá nhân hay các họ bởi nơi này là miền đất hứa và họ hy vọng có một cuộc sống dễ thở hơn nơi ở cũ. Để việc ra đi suôn sẻ, họ chọn thời điểm thích hợp, giảm rủi ro bằng cách cử một đi trước thăm dò, đặt nền móng nếu thấy sống được mới về quê đưa gia đình ra, rồi dần dần anh em, họ hàng ra sau. Nếu quá khó khăn thì họ lại tiếp tục sống ở quê chờ cơ hội khác. Hầu như không họ nào mạo hiểm, buông mặc số phận. Họ Vũ ở Đan Loan (Hải Dương) có nghề nhuộm điều nổi tiếng xứ Đông, ban đầu chỉ hai ba người trong họ ra Thăng Long, thấy có cơ hội mở mang sản xuất họ mới kéo người ra lập xưởng ở phố Hàng Đào ngày nay. Họ sống tập trung một chỗ để che chở, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, tránh bị phố trưởng bắt nạt hay đám côn đồ gây chuyện vì "giọt máu đào hơn ao nước lã". Và quây lại một chỗ có thể hỗ trợ nhau về nghề vì mỗi gia đình thường giỏi một công đoạn và cũng thuận tiện cho bạn buôn đưa nguyên liệu hay người đến cất hàng. Cùng với một số họ khác, họ Vũ đã có công lập ra phố Hàng Đào, một phố có tính biểu tượng của Hà Nội "36 phố phường". Cuối thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở Tam Xá (huyện Thường Tín) rời làng lên Thăng Long sống bằng nghề sản xuất và bán mũ dùng trong lễ hội, họ chọn mảnh đất gần bờ Hồ làm nơi sinh sống và hiện con cháu vẫn sống ở phố Hàng Bài. Ở khu "phố Hàng" không có sự cạnh tranh giữa các họ, tất cả cùng làm ăn buôn bán và "bán anh em xa mua láng giềng gần" nhưng ở các làng phía tây thành, đôi khi lại không như vậy, các họ lớn vẫn chèn ép họ nhỏ, họ giàu có coi thường họ nghèo. Bởi thế gia đình nào cũng muốn đẻ nhiều con vì không chỉ "lắm phúc, nhiều lộc" mà đẻ nhiều con trai còn làm cho họ nhà mình to hơn họ nhà khác, họ to sẽ không sợ bị chèn ép. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất làng Ngọc Hà phải nộp lính, những họ lép vế đều phải cử trai đinh ra đi trong đó có Phạm Văn Mễ, ông này sang Pháp làm lính thợ, mãn hạn ông ở lại học hành rồi trở về nước, nhờ có văn bằng Pháp ông được bổ làm giáo học khiến vị thế của họ trong làng cũng khác.
Cùng với các họ mới, các họ gốc, họ sống lâu đời ở Thăng Long cũng vun xới cho mảnh đất quê hương mình. Ca dao, tục ngữ Hà Nội có câu "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ", Kẻ Vẽ là tên nôm của làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) là làng văn hiến với nhiều dòng họ như: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng… đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan, tham gia vào chuyện quốc gia đại sự giúp dân, giúp nước. Họ Phan là họ lâu đời và Phan Phu Tiên là ông tổ họ Phan ở Đông Ngạc, ông đỗ đạt vào đời Trần là tác giả của nhiều bộ sách lớn trong đó có "Việt âm thi tập" và "Đại Việt sử ký tục biên" (bị thất lạc). Một người cháu thứ ba của Phan Lê Phiên (đỗ tiến sĩ năm 1757) có 6 người con trai thì ba người tham gia Đông Kinh nghĩa thục là Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên và Phan Văn Trường. Đông Kinh nghĩa thục bị đàn áp, Pháp bắt cả ba anh em giao cho chánh tòa thượng thẩm Hà Nội là Phan Cao Lũy, em ruột của ba ông xét xử. Một tình thế vô cùng éo le đối với họ Phan. Cuối cùng theo lệnh của Pháp cả ba ông bị đầy ra Côn Đảo. Rồi ông Phan Văn Trường chống án nên bị đưa sang Pháp xét xử, cuối cùng được tha bổng. Phan Văn Trường ở lại Pháp học đỗ tiến sĩ luật. Ông đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc khi đó Người đang ở Paris (1917-1919).
Họ Hoàng là họ mới ở Đông Ngạc có gốc Đông Bình tỉnh Bắc Ninh, bắt đầu từ Hoàng Nguyễn Thự. Ông đỗ tiến sĩ khóa cuối thời Hậu Lê và khi nhà Hậu Lê sụp đổ ông trốn về quê vợ ở làng Vẽ và trở thành tổ của họ Hoàng ở đây. Hoàng Tăng Bí là cháu đời thứ năm của Hoàng Nguyễn Thự, đỗ phó bảng ông không ra làm quan mà tham gia Đông Kinh nghĩa thục. Con trai ông là Hoàng Minh Giám làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ kháng chiến rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa sau năm 1954. Còn họ Hoàng ở Yên Hòa lại là họ gốc, họ này cũng là họ văn hiến bắt đầu từ Hoàng Quán Chi, đỗ đầu Thái sinh học năm 1393 làm quan tới chức Thượng thư Thẩm hình viện. Con cháu họ Hoàng các đời đều làm quan và sau là trí thức lớn. Thăng Long - Hà Nội còn rất nhiều dòng họ văn hiến hơn tất cả các vùng miền và chính các dòng họ văn hiến này đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa Kinh đô - Thủ đô.
Hà Nội có rất nhiều họ quen tai nhưng cũng có họ ít khi nghe thấy, ví dụ như Nghi Tàm có họ Luyện, làng Tây Hồ có họ Ngọ Xuân, Quảng Bá có họ Lu… Từ những năm 1990 đến nay số người nước ngoài lấy vợ Việt định cư ở Hà Nội ngày càng nhiều vì thế Hà Nội có thêm rất nhiều họ mới. Bây giờ nhận đồng hương ở Hà Nội dễ hơn nhận họ, chỉ nghe giọng nói không cần hỏi han nhưng câu "Một người làm quan cả họ được nhờ" hình như vẫn còn giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.