Góc nhìn

Chuyển đổi xanh - việc không của riêng ai

Đoàn Nam 30/06/2023 - 06:21

37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Con số này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch xanh” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 27-6 vừa qua ở Hà Nội.

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0, với lượng khí thải còn lại được hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tiếp tục là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Chuyển đổi xanh là việc không của riêng ai, phải được nhận thức và hành động từ mỗi cá nhân…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, thu hút nhà đầu tư trên thế giới vào thị trường năng lượng xanh. Xác định được tầm quan trọng của xu thế này, ngày 1-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Định hướng chung là tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên… Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.

Việc triển khai tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh không thể ngay lập tức phát huy tác dụng. Bởi đó không chỉ là việc của mỗi quốc gia, của những doanh nghiệp lớn, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội và mỗi cá nhân, ai cũng có thể góp phần vào việc chuyển đổi xanh thông qua những việc làm nhỏ hằng ngày.

Với mỗi cá nhân, đó chính là hành động tiết kiệm điện, tiết kiệm nhiên liệu, thức ăn, ưu tiên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thay cho việc dùng túi ni lông hay đồ nhựa một lần, tích cực trồng nhiều cây xanh, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm có thể tái chế hoặc phân hủy dễ dàng…

Về phía doanh nghiệp, cần hưởng ứng xu thế tăng trưởng xanh và lan tỏa thông điệp tích cực này đến cộng đồng thông qua những giải pháp cụ thể như chuyển đổi từ mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình thông minh và thân thiện với môi trường; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn, bảo đảm các thông số ở ngưỡng an toàn khi thải ra môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp cần có các giải pháp khuyến khích khách hàng, cụ thể như phát triển mô hình bán lẻ gắn với trải nghiệm sản phẩm xanh, thành lập câu lạc bộ khách hàng tiêu dùng xanh, thưởng điểm khi mua sản phẩm xanh…

Điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống các chuẩn mực để phát triển chuỗi cung ứng, trong đó, tiêu chí phát triển bền vững, phát triển xanh cần được đặt lên hàng đầu. Những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước cần ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng để tiên phong ứng dụng những quy trình sản xuất, kinh doanh xanh…

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm khí thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng dây chuyền sản xuất xanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, nước ta cũng chưa có bất kỳ một quy định pháp lý nào về tỷ lệ xanh hóa các sản phẩm nhưng trong xu thế chung của toàn cầu, cần hoàn thiện chính sách để có thể trở thành “bà đỡ mát tay” cho các doanh nghiệp đi trước đón đầu xu thế xanh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh - việc không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.