Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số trong tuyên truyền phổ biến pháp luật

Hà Phong - Lý Thị Mai| 15/02/2022 06:51

(HNM) - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi số trong tuyên truyền phổ biến pháp luật là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân...

Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn pháp luật trực tuyến về đất đai trên trang web Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Theo Bộ Tư pháp, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cùng cấp làm chủ tịch hội đồng. Các hội đồng đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm hằng năm, căn cứ theo nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp... Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số các địa phương đã sử dụng những ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến và mạng xã hội để tuyên truyền. Đây cũng dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận thông tin của công dân.

Cũng theo Bộ Tư pháp, đến nay, 100% địa phương đã ban hành văn bản triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021". Các công việc được ưu tiên gồm xây dựng cổng/trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Tổng số tin, bài, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được đăng tải trên internet là 601.936 tài liệu dưới dạng sổ tay hỏi đáp, tờ gấp, video clip, tiểu phẩm pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh hoạt động tuyên truyền...

Tại Hà Nội, Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của thành phố đã đăng tải trên 28 triệu tin, bài; hiện có 13.000-15.000 người truy cập/ngày. Các sở, ngành của thành phố cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã lập Fanpage, vận động tải ứng dụng Hanoi smart city, NCOVI để cập nhật tình hình dịch bệnh, thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế...

Thành đoàn Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi "Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu - Viet Challenges" qua hình thức Livestream (phát trực tiếp trên Fanpage của Thành đoàn Hà Nội); cuộc thi trực tuyến lập trình phòng, chống tác động của dịch bệnh "Hack Cô Vy"; xây dựng clip hướng dẫn quy trình bỏ phiếu với gần 63.000 lượt tiếp cận, 41.000 lượt tương tác, gần 3.000 lượt chia sẻ (share). Liên đoàn Lao động thành phố sử dụng nhóm Zalo để tuyên truyền và hướng dẫn hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong công nhân viên chức lao động; tính đến nay, có 3.340 nhóm với 100.981 người tham gia...

Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin thông qua kênh truyền thông, mạng xã hội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng còn đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật thông qua mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở.

Ở cấp trung ương, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương do Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực, đã tổng hợp, xây dựng, đăng tải 1.842 tin, bài phản ánh kịp thời hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cả nước. Bộ Tư pháp cũng thường xuyên đăng tải nhiều tin, bài về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Trong bối cảnh tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật cần được cải tiến, sáng tạo, nhưng vẫn phải triển khai bài bản, khoa học. Theo đó, trong năm 2022, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức hiệu quả Đề án Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027; Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2027. Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương cần ưu tiên nguồn lực cho công tác phổ biến pháp luật, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác này. Đây là tiền đề để việc tuyên truyền phổ biến pháp luật ngày càng đa dạng, bài bản hơn. Trên cơ sở đó, lấy việc nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật làm thước đo hiệu quả cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong tuyên truyền phổ biến pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.