Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng: Không còn là lựa chọn, mà là không thể khác!

Hà Linh| 04/08/2022 19:21

(HNMO) - Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành tổ chức ở Hà Nội ngày 4-8, đại diện các ngân hàng đều khẳng định vai trò quan trọng “không thể khác” của chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, nhất là khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng trình bày về công nghệ số.

Các Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas)... đã tham gia trình diễn demo công nghệ như mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC gắn chip hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử, thanh toán bằng mã QR... tại sự kiện chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), hệ thống số mang lại kết quả rất tích cực, lượng khách hàng tăng lên nhiều, giao dịch tăng theo cấp số nhân, dịch vụ được mở rộng không ngừng. Việc chuyển đổi số của ngân hàng đang được tiến hành mạnh mẽ và người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đứng trước thách thức phải mở rộng hệ sinh thái, áp lực chuyển đổi, kết nối nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hưng cũng cho biết thêm, TPBank có nhiều sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, bảo đảm các phương thức thanh toán, dịch vụ. Ngoài ra, tất cả các điểm siêu thị đều kết nối được với ngân hàng. Bên cạnh đó, TPBank cũng ứng dụng công nghệ tối tân, xây dựng hệ sinh thái thanh toán cung cấp hơn 2.000 sản phẩm và dịch vụ.... Số lượng giao dịch thanh toán vào tháng 6 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 600.000 giao dịch/tháng. TPBank sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn diện hơn vì nhờ chuyển đổi số, chi phí được tiết giảm và cũng làm cho hoạt động của ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn. TPBank cũng có một số kiến nghị về liên thông dữ liệu công tư, cho vay trên nền tảng số, cơ chế thực hiện có kiểm soát đồng bộ... và mong muốn những vấn đề này sớm được triển khai.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nguyễn Thị Quỳnh Giao nhận định, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn mà buộc phải chọn, không thể khác. Chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột chính của BIDV trong giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030, trong đó đều lựa chọn khách hàng làm trung tâm. Tỉ trọng số lượng giao dịch trên kênh số của BIDV đã chiếm đến 93%, giao dịch số của riêng năm 2021 bằng cả 3 năm trước cộng lại. Khi ứng dụng giải pháp eKYC, số lượng khách hàng mở tài khoản số BIDV thành công lên đến 2 triệu khách hàng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các ngân hàng góp phần thực thi chính sách chuyển đổi số quốc gia với những công dân số.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, đã có hàng nghìn loại phí, lệ phí dịch vụ công người dân có thể thanh toán trực tuyến bằng đăng nhập duy nhất trên Cổng dịch vụ công quốc gia và có thể thanh toán trên hệ thống thanh toán của BIDV. Bên cạnh đó, BIDV cũng phối hợp với Tổng cục Thuế xây dựng các tính năng kết nối giữa tài khoản thuế của người dân với tài khoản của ngân hàng một lần duy nhất để thực hiện các giao dịch thuế. Toàn bộ quá trình đối soát và lưu trữ với tất cả các cơ quan liên quan được thực hiện tự động, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng in các chứng từ liên quan đến lĩnh vực nộp thuế của mình để có thể hoàn tất giao dịch.

Về phía cơ quan chức năng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Kim chỉ nam của công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng; đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Chuyển đổi số đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng...

Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số... Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán được số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các công ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.

Về hạ tầng cho chuyển đổi số, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay, con số đã lên tới 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây.

Về tài khoản, tính đến tháng 6-2022, có tới 68% người trưởng thành mở tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Trong đó, khách hàng trong tuổi 25-34 tuổi chiếm tỉ trọng lớn. Các giao dịch mobile payment, mobile banking phát triển mạnh, phát huy tính hữu dụng đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Nhờ chuyển đổi số, chỉ số chi phí/doanh thu giảm 30-40%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, từ đó không thu phí chuyển tiền...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng: Không còn là lựa chọn, mà là không thể khác!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.