Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là thương hiệu gắn với sự phát triển của công nghiệp Thủ đô sau Ngày Giải phóng 10-10-1954.
Kế thừa, phát huy những di sản quý giá trong hành trình làm theo lời Bác Hồ dạy, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đang kiến tạo một hệ giá trị doanh nghiệp mới với khát vọng tiến lên mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển của kỷ nguyên số, góp phần hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi số của Thủ đô.
Lấy sản xuất thông minh làm cốt lõi
Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, và một trong những mục tiêu lớn là kiến tạo kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông xác định chuyển đổi số chính là động lực để thực hiện đột phá trong chiến lược phát triển. Trong đó, lựa chọn đi thẳng vào cốt lõi là chuyển đổi sản xuất thông minh, chuyển đổi hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ, chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng công nghệ số.
Bắt đầu triển khai chiến lược chuyển đổi số từ năm 2020, sau gần 4 năm, Rạng Đông đã thu được “quả ngọt” với mặt bằng tăng trưởng lên tới 15-20%.
Với khát vọng “Make in Vietnam”, Rạng Đông đã tiên phong trong việc phát triển sản xuất thông minh, sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ máy học (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối công nghiệp (IIoT); thực hiện sản xuất hàng loạt theo nhu cầu cá thể hóa. Hệ thống sản xuất thực - số với phần "thực" được tinh gọn và tối ưu các quy trình vận hành, thực hiện tự động hóa từng phần tiến tới toàn phần của các khâu sản xuất. Hay như việc tích hợp giữa OT (công nghệ vận hành) và IT (công nghệ thông tin) theo từng vòng lặp trong hệ thống sản xuất, để ngày càng nâng cao trình độ trưởng thành số, tạo thành các phiên bản số với độ phân giải ngày càng cao....
Sản xuất thông minh cũng giúp Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư tăng, lãi vay tăng. Năng suất lao động đã tăng 30% với sản phẩm LED (5,5 triệu sản phẩm/tháng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng) và tăng 37% với sản phẩm phích (1,4 triệu sản phẩm/tháng lên 1,9 triệu sản phẩm/tháng).
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Rạng Đông nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng các sản phẩm số hóa và sử dụng công nghệ IoT. Đồng thời, công ty cũng chú trọng phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0, kết hợp các thành tựu đỉnh cao của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Theo Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Đoàn Thăng, mọi hoạt động của Rạng Đông đều thấm đẫm tinh thần “Make in Vietnam”: Nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.
Mong muốn tiếp thu tri thức nhân loại để sáng tạo vận dụng thực tế của mình, Rạng Đông đã hợp tác với nhiều viện, trường đại học trong và ngoài nước. Hiện, đơn vị đang sở hữu 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển, trong đó không thể không nhắc đến Trung tâm nghiên cứu phát triển thương mại hóa hệ sinh thái sản phẩm 4.0.
Và khát vọng doanh nghiệp tỷ đô
Trong kế hoạch chuyển đổi số, thành phố Hà Nội xác định trở thành một trong những địa phương tiên phong. Có thể nói, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội.
Thành công với chiến lược chuyển đổi số, nhưng khát vọng của Rạng Đông không dừng lại ở đó. Doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu năm 2030 đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực, doanh thu đạt mức tỷ đô; thu nhập bình quân hệ số 1 của người lao động đạt 2.000 USD/tháng.
Và khát vọng tỷ đô của Rạng Đông được xây dựng từ những cơ sở có thật. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Chuyên gia tư vấn trưởng chuyển đổi số Rạng Đông đánh giá, thị trường hiện có tới 6.700 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm LED. Con đường phát triển của Rạng Đông là cạnh tranh bằng giá trị, chất lượng, sự tin cậy và giá phù hợp.
Bệ đỡ và động lực cho những bước tiến của Rạng Đông không chỉ đến từ quyết tâm và tầm nhìn của những người đứng đầu, mà còn đến từ việc Rạng Đông đang lựa chọn đi theo con đường “doanh nghiệp của người lao động, doanh nghiệp của tập thể, do người lao động làm chủ”.
Nói rõ hơn về chủ trương này, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ, trong quá trình đổi mới, có những doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoặc bị “cá mập” thâu tóm, hoặc rơi vào tay một nhóm lãnh đạo với mức giá rẻ, thì Rạng Đông lại có cách làm khác. Khi bắt đầu thực hiện cổ phần hóa, đã có tới 96% người lao động của Rạng Đông được mua cổ phiếu. Cho đến thời điểm hiện tại, người lao động vẫn đang sở hữu đến 42% cổ phần trong công ty.
Với mẫu hình như vậy, thu nhập của người lao động không chỉ ngoài đồng lương hằng tháng, mà còn được chia sẻ phần lợi nhuận do chính giá trị lao động của họ tạo ra. Đây chính là động lực cơ bản để khuyến khích người lao động làm việc và sáng tạo hết mình, đồng thời cũng là nhân tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.
Rạng Đông phấn đấu năm 2024 xây dựng xong Nhà máy công nghệ cao tại Hòa Lạc với nền sản xuất thông minh. Năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số cho khâu sản xuất thực, với 80% dữ liệu được kết nối, xử lý tự động trong một hệ thống nhất, có thể xử lý phân tích dữ liệu toàn hệ thống. Năm 2030 vươn tầm tỷ đô, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực.
Kiên định mục tiêu, kiên trì con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế, Rạng Đông tiếp tục xây dựng thành công một Rạng Đông mới, một doanh nghiệp dân tộc mang thương hiệu Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.