Nông nghiệp - Nông thôn

Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho Nông nghiệp bứt phá

Ngọc Quỳnh 23/08/2023 - 06:29

Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, người dân có thể sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đó là “chìa khóa” để ngành Nông nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

dai-dien-hop-tac-xa-rau-qua.jpg
Đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) giới thiệu về quy trình sử dụng mã QR để nhận diện sản phẩm rau. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Nội thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho biết, từ năm 2016, hợp tác xã đã chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời, khi thời tiết biến động.

Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng. Năm 2021, hợp tác xã tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử: Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm (QRcode). Do minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, nên các sản phẩm của hợp tác xã đã đưa vào các kênh phân phối hiện đại, được bán với giá ổn định hơn nhiều so với bán rau ở chợ thông thường.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (huyện Đông Anh) Nguyễn Thế Hanh cho rằng, nếu chỉ qua các kênh bán hàng truyền thống, thì rất khó để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, công ty đã đăng tải hình ảnh sản phẩm rau trên các website, trang mạng xã hội..., nên ngoài việc cung cấp sản phẩm đã ký kết theo hợp đồng, mỗi ngày công ty bán được 5-6 tạ rau, củ qua hệ thống kinh doanh online. Không những vậy, thông qua kênh bán hàng này, công ty còn thu thập được dữ liệu khách hàng để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, như: Duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm để minh bạch các sản phẩm trên thị trường. Đến nay, hệ thống đang quản lý 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản và đã cấp 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

“Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích: Dự báo nhu cầu thị trường chính xác, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa hoạt động... Đặc biệt, chuyển đổi số không chỉ giúp thực hiện những công việc con người khó thực hiện, mà còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý…”, ông Tạ Văn Tường cho hay.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ năng

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Do đó, cần phải chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai…

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối đề xuất, các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn về sử dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp để nông dân biết và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Còn Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, nhằm tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các hội nghị, tọa đàm, tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp để người dân nắm được những kiến thức cơ bản, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021), qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại trên địa bàn thành phố cài đặt, sử dụng phần mềm chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương của thành phố tăng cường việc đưa nông sản lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho Nông nghiệp bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.