(HNM) - Hà Nội có lợi thế phát triển các mô hình sản xuất hoa chất lượng cao. Đây không chỉ là hướng chuyển đổi hiệu quả mà còn phù hợp với định hướng của thành phố về phát triển nông nghiệp đô thị.
Mê Linh vốn được coi là "vựa" hoa của Hà Nội. Ngoài phục vụ thị trường Thủ đô, hoa Mê Linh còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình là sản phẩm hoa hồng tại xã Văn Khê. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Thế mạnh của Mê Linh là sản xuất hoa hồng, tuy nhiên, theo thời gian, nhiều giống có biểu hiện thoái hóa. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên chất lượng hoa chưa cao. Riêng đối với vùng hoa hồng hơn 170ha tại xã Văn Khê, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với khởi nguồn là giống hoa hồng lai Pháp mới. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng hoa cao hơn hẳn so với mô hình sản xuất hoa hồng truyền thống. Hiện mỗi héc ta sản xuất hoa hồng chất lượng cao tại Văn Khê cho hiệu quả kinh tế từ 400 triệu đồng trở lên...
Tương tự là mô hình sản xuất hoa chất lượng cao của Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Với diện tích 7ha, trong đó có 1.000m2 nhà kính hiện đại sản xuất giống lan hồ điệp, Hợp tác xã có thể cho hoa nở đúng thời điểm như ý muốn. Bên cạnh đó, nơi đây còn có 3.000m2 nhà lưới chuyên trồng hoa ly và đồng tiền; diện tích còn lại trồng các loại hoa: Loa kèn, cúc, hồng… Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm, mỗi năm, doanh thu từ hoa của hợp tác xã đạt hơn 2 tỷ đồng. Ngoài chia lợi nhuận cho các thành viên, hợp tác xã tiếp tục đầu tư vào sản xuất và mở rộng quy mô trồng hoa.
Những năm qua, sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện toàn thành phố có khoảng 2.700ha diện tích sản xuất hoa, cây cảnh (tăng 1.350ha so với năm 2011). Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sản xuất hoa chất lượng cao của Hà Nội đang đi đúng quy trình và định hướng, trong đó tập trung sản xuất những giống hoa phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều vùng hoa chuyên canh còn gắn với phát triển du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, Hà Nội có 50 vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín… với chủng loại hoa ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiều cấp độ tiêu dùng. Hiện nay, giá trị thu nhập trung bình 1ha hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt từ 350 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Hà Nội còn hình thành nhiều mô hình sản xuất giống hoa lan, đào, hồng chất lượng cao; các mô hình sản xuất trong chậu với nhiều loại: Hoa ly, hoa lan, lan bản địa, hoa hồng, đào Thất thốn, đào thế, ly cắt cành... cũng cho hiệu quả kinh tế khá.
"Đầu ra" cũng tương đối thuận lợi với trên 85% sản lượng hoa, cây cảnh của Hà Nội được tiêu thụ trên địa bàn thành phố và khoảng 10-12% tiêu thụ tại các tỉnh ngoài; khoảng 3-5% sản lượng hoa hồng, cúc, lay ơn... tham gia xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Campuchia... Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán thì hoa đào (đào cành và đào thế), quất cảnh của Hà Nội bước đầu được giới thiệu ở các nước có nhiều người Việt sinh sống như: Nga, Đức, Mỹ...
Hoa chất lượng cao đang được đánh giá là sản phẩm mang tính chiến lược của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị đất canh tác. Bởi vậy, loại hình sản xuất này đang được thành phố quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Qua đó, người nông dân cũng chủ động kiểm soát chuỗi sản xuất - tiêu thụ theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.