(HNMO)- Trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 23 hầm dành cho người đi bộ. Thời gian gần đây, việc quản lý, duy trì đã dần đi vào nề nếp, từng bước khai thác hiệu quả...
Đến thời điểm này, hầm đi bộ Ngã Tư Sở và hầm đi bộ Kim Liên đang duy trì chế độ hoạt động khá tốt cả về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo đảm đầy đủ thoát nước và chiếu sáng.
Còn trên tuyến đường vành đai 3 (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến Cầu Dậu) có tổng số 17 hầm đi bộ do Ban QLDA Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư (trong đó, ngoài 2 hầm đang sửa chữa hoàn thiện dự kiến bàn giao trước Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015, còn lại 15 hầm đã bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng.
Hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở |
Trên tuyến đường Quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) có tổng số 4 hầm dành cho người đi bộ do Ban QLDA Đầu tư phát triển giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) làm đại diện chủ đầu tư. Trong đó 3/4 hầm đã bàn giao đưa vào khai thác tháng 10-2014; 1 hầm đang hoàn thiện (do công tác giải phóng mặt bằng chậm) và dự kiến xong trước Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015 để bàn giao đưa vào vận hành khai thác.
Ngoài ra, trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long có 9 hầm chui dân sinh phục vụ người đi bộ và phương tiện cơ giới; tuyến đường 5 kéo dài có 2 hầm chui dân sinh và 11 hầm đi bộ đang tiến hành kiểm đếm và bàn giao theo đúng quy định để đưa vào khai thác vận hành.
Túc trực 24/24 giờ
Đối với các hầm đang khai thác, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông (HTGT) - đơn vị quản lý bố trí lực lượng công nhân làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ, hướng dẫn điều hành giao thông và vệ sinh hầm đi bộ từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày. Riêng công tác trực hầm được bố trí ba ca liên tục (24/24 giờ).
Trên đường Nguyễn Xiển (đường vành đai 3) có 5 hầm dành cho người đi bộ đã được khai thác khá hiệu quả |
Nhìn chung, các hầm đường bộ dành cho người đi bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm đủ ánh sáng trong hầm phục vụ người dân đi lại. Bên ngoài hầm lắp đặt đèn LED biển hiệu "Hầm dành cho người đi bộ" để dễ nhận biết khi trời tối. Bên cạnh đó, hệ thống thông khí được duy trì nhằm bảo đảm sự thông thoáng trong hầm, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Hiện nay, các cửa hầm đã được tôn cao, lát bằng gạch Block đảm bảo thoát nước và thuận tiện cho người đi bộ.
Công tác vệ sinh được duy trì đều đặn hàng ngày |
Các hầm đang xây dựng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giao đơn vị đại diện chủ đầu tư - Ban QLDA duy tu HTGT tiếp cận ngay trong quá trình đầu tư xây dựng để khi hoàn thành bàn giao không phải sửa chữa, đảm bảo đồng bộ trên toàn thành phố và đưa vào sử dụng khai thác ngay.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bên cạnh việc duy trì tốt hoạt động của các hầm, bảo đảm vệ sinh, ánh sáng an toàn để người dân sử dụng thuận tiện, cần phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có kế hoạch đầu tư trang trí khu vực hầm đi bộ nhằm vừa tuyên truyền phổ biến pháp luật, vừa tạo sự hấp dẫn khi người dân đi qua hầm, coi đó như điểm văn hóa không thể thiếu của thành phố.
Những hình ảnh ghi nhận cái được và chưa được của hầm dành cho người đi bộ:
Hầm dành cho người đi bộ tại đường Nguyễn Xiển (đường vành đai 3) được bảo đảm vệ sinh, ánh sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách bộ hành |
Hầm đi bộ tại nút giao thông Ngã Tư Sở hoạt động hiệu quả |
Bên ngoài các hầm đường bộ trên đường Nguyễn Xiển còn nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.