(HNM) - Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI 2017 cho thấy một số xu thế tích cực. Cải thiện được ghi nhận ở 5 trong số 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, trong đó nổi bật nhất là chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đã tăng lên 6,15 điểm.
Thủ tục hành chính được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm hiểu thông tin tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành |
Ghi nhận hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Chỉ số PAPI là một trong những kết quả khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam được thực hiện hằng năm, kể từ năm 2011 đến nay. PAPI được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Báo cáo Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên ở 63 tỉnh, thành phố với 6 chỉ số lĩnh vực nội dung.
5 trong số 6 chỉ số lĩnh vực nội dung của PAPI 2017 được ghi nhận có sự cải thiện ở cả cấp độ quốc gia và cấp tỉnh, gồm: “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”. Một thông tin đáng chú ý nữa là không tỉnh, thành phố nào có điểm PAPI tổng hợp thấp hơn so với năm 2016.
Trong xu hướng tăng điểm của các chỉ số PAPI năm 2017, nổi bật nhất là chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đã tăng từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm. Đóng góp vào xu thế tích cực ở nội dung này, có hơn một nửa số tỉnh, thành phố (33 địa phương) đạt mức gia tăng đáng kể về điểm.
Các tỉnh: Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang được người dân ghi nhận nhiều nhất cho nỗ lực của chính quyền địa phương trong phòng, chống tham nhũng, với mức gia tăng điểm số đạt hơn 20% so với năm 2016. Trong số 6 địa phương giảm điểm đáng kể (hơn 5%) có 3 tỉnh, thành phố là Đắk Nông, Hưng Yên, Hải Phòng có mức giảm điểm hơn 9%.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cho rằng, Chính phủ hoàn toàn có thể tự hào về kết quả cải thiện chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Ông cho rằng, chỉ số này có thể tăng hơn nếu việc khảo sát được thực hiện sau khi các “đại án tham nhũng” được đưa ra xét xử. Tiến sĩ Paul Schuler, Phó Giáo sư Đại học Arizona nhận định, kết quả này cho thấy hiệu ứng từ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng.
Về chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, nhóm nghiên cứu PAPI 2017 nhận định, người sử dụng hài lòng hơn với dịch vụ “một cửa” và quy trình, thủ tục hành chính ở 3 nhóm dịch vụ hành chính, gồm: Chứng thực, xác nhận; cấp phép xây dựng và dịch vụ hành chính ở phường, xã, thị trấn...
Trong xu hướng chung của PAPI năm 2017, TP Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương có chuyển biến với 5/6 chỉ số lĩnh vực nội dung tăng điểm so với năm 2016, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố có mức độ tăng điểm tổng hợp cao nhất so với năm 2016. Với chỉ số "tham gia của người dân ở cấp cơ sở", tri thức công dân tham gia bầu cử, chất lượng bầu cử và tham gia bầu cử đạt mức trung bình cao của cả nước.
Ở chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", quyết tâm chống tham nhũng cũng nằm trong mức trung bình cao. Đặc biệt, ở chỉ số "cung ứng dịch vụ công" của Hà Nội, thuộc nhóm trung bình cao có 2 nội dung là dịch vụ giáo dục tiểu học công lập và cơ sở hạ tầng căn bản.
Yêu cầu đổi mới đòi hỏi cao hơn
Hệ thống máy tính được trang bị để người dân tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Mặc dù thể hiện rõ xu hướng tích cực, nhưng từ kết quả PAPI năm 2017 cho thấy, yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công với các cấp, các ngành trên cả nước đòi hỏi cao hơn. Khoảng giữa điểm PAPI cao nhất cấp tỉnh (39,52 điểm) so với điểm tối đa mong đợi (60 điểm) vẫn còn trên 20 điểm.
Theo nhóm nghiên cứu PAPI, ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cực, năm 2017 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại. Trong lĩnh vực quản trị đất đai, sự hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong nhóm những người có thu nhập thấp cũng giảm. Mặc dù Việt Nam đạt được thành công lớn về xóa đói, giảm nghèo, song cần nỗ lực hơn. Trong 10 năm qua, chính quyền các cấp đã đầu tư nhiều cho cải cách hành chính và điện tử hóa các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân bằng việc thiết lập cổng thông tin điện tử.
Tuy vậy, tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin qua kênh này còn rất thấp: 22% người dân tìm thông tin về quyết sách của Nhà nước trên cổng thông tin điện tử địa phương, chỉ có 6% đến 16% người dân sử dụng cổng thông tin điện tử để tìm kiếm thông tin về các nhóm thủ tục hành chính. Ngoài ra, người dân vẫn tiếp tục phàn nàn về dịch vụ hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. Điều này cho thấy, dù có những thay đổi tích cực, nhưng các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm.
Mặc dù vậy, theo nhóm nghiên cứu PAPI, một xu hướng rất đáng chờ đợi là hiện nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã nghiên cứu, phân tích các chỉ số PAPI để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm cải thiện chỉ số này và phục vụ người dân tốt hơn.
Trong đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 69/KH-UBND nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của thành phố năm 2018 với mục tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhận định, kế hoạch này cho thấy tinh thần cầu thị, quyết tâm và sự nhìn nhận rất thực tế của lãnh đạo Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, PAPI là công cụ hiệu quả để thực thi và giám sát thực thi chính sách, thúc đẩy cải cách tại Việt Nam. Sự quan tâm của các địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp cải thiện chỉ số này phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân cũng như quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.