Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025: Nền tảng nâng chất lượng giáo dục

Thống Nhất| 08/10/2021 06:12

(HNM) - Ngày 2-10-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể được nêu tại quyết định một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội xác định việc thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường là nền tảng để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những mục tiêu của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Nhật Nam

Ưu tiên bảo vệ sức khỏe học sinh

Hiện tại, thành phố Hà Nội có hơn 2.700 cơ sở giáo dục, hơn 2,1 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh được ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Theo Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung, năm học 2020-2021, 100% trường mầm non, phổ thông của thành phố đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra sức khỏe đầu năm học, duy trì công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học; 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế... Phần lớn các trường đều có phòng y tế riêng với trang thiết bị, cơ số thuốc bảo đảm phục vụ công tác sơ cấp cứu học sinh. Các nhà trường cũng tăng cường giám sát công tác an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú…

Một trong những kết quả nổi bật của Hà Nội là đã triển khai thành công chương trình Sữa học đường, với gần 1,1 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học tham gia, đạt gần 92% tổng số học sinh trong độ tuổi. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa thông tin: “Học sinh có thể lực tốt hơn khi được uống sữa hằng ngày. Với cơ chế chỉ phải đóng góp 50% giá trị một hộp sữa, đa số phụ huynh học sinh mong muốn chương trình tiếp tục được triển khai để các con được thụ hưởng”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho hay: “Trong thời gian học sinh học trực tuyến, các nhà trường vẫn thường xuyên rà soát, bảo đảm đầy đủ vật tư y tế, sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường khi được phép”.

Về những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, hầu hết đội ngũ nhân viên y tế hiện nay ở các trường đều là kiêm nhiệm, nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Còn ông Kiều Hoàng Nam, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: "Nhà trường chưa có phòng thể chất, nhiều hoạt động tập thể tổ chức ngoài trời gặp khó khăn khi thời tiết không thuận lợi. Tôi mong trường sớm được đầu tư theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia".

Việc đổi mới công tác giáo dục thể chất, nâng cao thể lực sẽ góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện.

Bảo đảm phát triển toàn diện

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 vừa được phê duyệt đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Một số chỉ tiêu quan trọng được đề ra, là: 100% trường học có nhà vệ sinh, 80% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa...

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, chương trình là căn cứ để đơn vị xây dựng kế hoạch và tham mưu với UBND huyện tăng cường kinh phí dành cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh một cách toàn diện, bền vững. Giải pháp hiện nay của huyện là tập trung nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, phấn đấu đến năm 2025 có 80-85% số trường học đạt chuẩn quốc gia.

Còn theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Trần Thị Hương, phòng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát bữa ăn bán trú, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm. Ngay khi có thông báo học sinh được phép đi học trở lại, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra toàn bộ quy trình tổ chức bếp ăn bán trú, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh chia sẻ, các dự án xây dựng trường học mới đều được quận đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi bốn mùa và ưu tiên đầu tư sân chơi, bãi tập. Toàn quận đã có 7 bể bơi trong trường học, góp phần tích cực trong việc đổi mới công tác giáo dục thể chất, nâng cao thể lực cho học sinh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, với quy mô học sinh tăng khoảng 60.000 em/năm học, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh được toàn ngành xác định là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm, vì những thế hệ tương lai phát triển toàn diện, bền vững. Trước mắt, Sở yêu cầu các nhà trường lưu ý sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến phù hợp để bảo đảm sức khỏe học sinh; tận dụng thời gian này cho việc cải tạo, nâng cấp sân chơi, bãi tập, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi được phép. "Sở cũng đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố cho phép tuyển dụng viên chức nhân viên y tế để bổ sung cho các trường học còn thiếu", ông Phạm Xuân Tiến cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025: Nền tảng nâng chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.