(HNM) - Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết thị trường Tết cũng sôi động với cành đào, cây quất, cùng các loại thực phẩm chế biến, rượu - bia, bánh kẹo…
Từ giữa tháng Chạp, chợ hoa lớn nhất TP, trên đê Quảng An - Nghi Tàm đã lấy lại được "phong độ", nhóm họp suốt đêm để quy tụ hàng trăm loại hoa tươi. Từ đây, giới cất buôn sẽ nhận hoa, phân phối xuống các "đại lý" và đưa đi tiêu thụ khắp nơi, tùy theo phẩm cấp và địa chỉ mua hoa. Theo giới sành hoa, lượng hàng năm nay đều, chất lượng khá ổn; quá trình thu hoạch và vận chuyển cũng thuận lợi nhưng sức tiêu thụ chậm hơn năm trước. Dọc các tuyến phố Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung… vốn nổi tiếng là "đắc địa", thường được các DN hay tiểu thương ngỏ ý thuê làm mặt bằng kinh doanh ngay từ những tháng trước để làm "cái tết" trong tháng cuối năm đã không giữ được phong độ, với hình ảnh thưa thớt điểm bán hàng, lượng hàng cũng không nhiều. Những ngày giáp Tết, lượng hàng bán ra chỉ ở mức khiêm tốn và một tỷ lệ không nhỏ khách hàng mới đi khảo sát, khiến chủ hàng thêm phần sốt ruột. Kinh tế suy giảm, thu nhập không tăng nên giới tiêu dùng vẫn mang tâm lý đủng đỉnh, thiếu mặn mà. Song, nguyên nhân sâu xa vẫn là do đời sống của nhiều tầng lớp dân cư năm nay "đuối" hơn, do ảnh hưởng từ thực tế thu hẹp sản xuất và kinh doanh của nhiều DN. Mặc dù vậy, nhưng những ngày này nhà nào cũng cố gắng mua sắm những thứ cơ bản, tối thiểu để đón Tết cổ truyền.
Người dân nhộn nhịp mua sắp hàng Tết. Ảnh: Thái Hiền |
Ngay trước Tết, ngành công thương đã chỉ đạo các hiệp hội DN phối hợp với các địa phương triển khai những biện pháp cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm theo hướng ổn định về số lượng, bảo đảm chất lượng và xuất xứ hàng hóa. Trong đó, nhiều DN chủ động áp dụng các đợt khuyến mại, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu cao vào dịp Tết như thực phẩm, đồ uống, quần áo, dầu ăn... Năm nay, TP dành 475 tỷ đồng cho một số DN vay để trữ hàng bình ổn, sẵn sàng bán ra thị trường bên cạnh việc yêu cầu DN tăng cường đưa hàng về nông thôn và thành lập cơ sở kinh doanh tạm thời tại khu vực ngoại thành nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm. Tính chung, Hà Nội hiện có 655 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 1,7 lần so với năm trước), đã tổ chức 36 phiên chợ bán hàng Việt; 264 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, các DN đã chủ động lập kế hoạch và phương án kinh doanh dịp Tết rất khẩn trương. Đặc biệt, TP chỉ đạo tổ chức 9 trung tâm thương mại (TTTM) lưu động tại các huyện, nhằm tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng tại chỗ đối với dân chúng. Việc triển khai các TTTM, từ ngày 9 đến 18-1-2012, đã thỏa mãn phần lớn nhu cầu mua sắm của bà con ngoại thành ở các huyện, như Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì... và mang lại doanh thu hơn 18 tỷ đồng cho DN. Hoạt động đưa hàng về nông thôn của DN, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỏ rõ ý nghĩa thiết thực với đời sống dân sinh, nhất là tại khu vực ngoại thành, vùng xa. Bên cạnh đó, những ngày giáp Tết còn chứng tỏ hiệu quả trên diện rộng của chương trình bình ổn giá. Những động thái trên tạo ra một thị trường ổn định về lượng hàng và giá cả, được bà con ủng hộ.
Tại các chợ đầu mối và dân sinh lớn như Long Biên, Mai Động, Thành Công… nhiều loại thực phẩm, lương thực, rau quả đều trong trạng thái khá ổn định, góp kích thích sức mua, không khí sắm Tết sôi động hơn từ ngày 25 Tết. Đại diện siêu thị Big C cho biết, tính sơ bộ doanh thu của đơn vị đã tăng khoảng 25% so với tháng khác và lượng khách tăng nhanh qua từng ngày. Trong khi đó, tại các cửa hàng lẻ, giá bia và một số loại bánh, mứt, kẹo đã nhích lên ở mức độ hợp lý. Riêng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tổng lượng hàng dự trữ trị giá 905 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Đặc biệt, đơn vị triển khai 6 phiên chợ Tết, với quy mô 1.000 - 3.000m2 để bán hàng tiêu dùng, kiêm cả hàng bình ổn tại một số huyện. Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Hapro xác nhận, hàng bán chạy nhờ đáp ứng tốt nhu cầu của bà con và cũng bởi đơn vị chọn đúng dịp để bung hàng ra. Không khí ở các chợ Tết khá sôi động. Người dân đi chợ để xem hàng, so sánh và quyết định thứ muốn mua. Đặc biệt, bà con rất thỏa mãn về mẫu mã, chất lượng và giá sản phẩm. Thị trường còn có điểm nhấn là Hội chợ Xuân 2012 với 900 gian hàng của 600 DN tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam, trên đường Giảng Võ bày bán chủ yếu hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu sắm Tết đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.