Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Chương Mỹ đang tập trung thống kê, xác minh thiệt hại, kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Dù lũ trên sông Bùi đã rút tới ngưỡng dưới báo động cấp I gần 2 ngày nhưng sáng nay 6-8, tại các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ... nhiều xứ đồng trọng điểm chăn nuôi, cấy lúa, trồng rau màu vẫn mênh mông nước...
Tại “rốn lũ” Nam Phương Tiến, đường vào 3 thôn: Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu 30-40cm, có đoạn tới 60cm, ảnh hưởng tới 95 hộ dân... Ngoài đồng ruộng, nhiều khu vực trồng trọt, chăn nuôi vẫn trắng nước.
Trò chuyện với phóng viên, ông Phùng Văn Lượng, ở thôn Nhân Lý cho biết, gia đình vay mượn 1,8 tỷ đồng nuôi 10.000 con gà lấy trứng và thịt. Mặc dù ông đã chủ động đưa đàn gà đi gửi ở nhiều thôn nhưng vì nước lũ lên quá nhanh nên vẫn mất hơn 3.000 con.
“Bây giờ, chúng tôi chỉ mong nước rút thật nhanh để tiêu độc, khử trùng, sớm đưa vật nuôi trở về chuồng nhà. Chúng tôi mong các cấp, ngành sớm hỗ trợ thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra để khôi phục sản xuất...”, ông Phùng Văn Lượng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh, với tốc độ nước rút như hiện nay thì 2 ngày nữa, các khu vực sản xuất nông nghiệp của xã mới cạn nước. Khi đó, xã sẽ kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại về chăn nuôi, đề xuất cấp trên hỗ trợ theo quy định... Đối với lĩnh vực trồng trọt, xã đã thống kê diện tích thiệt hại, có văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, thời tiết nông vụ...
Thống kê sơ bộ của UBND huyện Chương Mỹ, trận mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.703ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 gia súc và 184.912 gia cầm...
Để khôi phục sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức đề nghị, các xã vận động nông dân thu gom, xử lý triệt để vật nuôi chết do mưa lũ; thực hiện phương châm “nước rút tới đâu, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi tới đó”. Sau khi vệ sinh chuồng trại xong, mới di chuyển gia súc, gia cầm ở nơi di tản về chuồng nuôi. Các địa phương khẩn trương thống kê, kiểm đếm chính xác để báo cáo huyện hỗ trợ kịp thời cho nông dân nhanh chóng ổn định sản xuất...
“Do không còn trong thời vụ gieo cấy lúa tốt nhất nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vùng úng ngập khi lũ rút hoàn toàn sẽ vận động nông dân trồng các loại rau màu và cây vụ đông sớm, như: Dưa chuột, cà chua, rau các loại…”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.