Giao thông

Chương Mỹ quyết liệt giải phóng mặt bằng

Kim Nhuệ 30/07/2024 - 06:30

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huyện Chương Mỹ đã tháo gỡ từng nút thắt, bàn giao nhiều diện tích đất để thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6. Đến nay, Chương Mỹ đã bàn giao 23,2ha đất để thi công 5,9km quốc lộ 6.

lanh-dao-huyen-chuong-my-kiem-tra-tien-do-giai-phong-mat-bang-phuc-vu-thi-cong-du-an-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-6-doan-ba-la-xuan-mai..jpg
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Để tạo nên trục giao thông đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Chương Mỹ, quận Hà Đông và vùng lân cận..., thành phố Hà Nội đã quyết định đầu tư hơn 9.590 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp gần 21,8km quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; trong đó, đoạn qua huyện Chương Mỹ dài 15,87km, Hà Đông dài 5,92km.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ Nguyễn Mạnh Hà cho biết, thực hiện dự án trên, huyện Chương Mỹ cần phải thu hồi khoảng 85ha đất. Cụ thể là: 39,96ha đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản; 27,99ha đất công; 15,28ha đất ở; 1,42ha đất cơ quan, đơn vị và 0,35ha đất nghĩa trang... Để ổn định đời sống của người dân có đất thuộc diện thu hồi, huyện Chương Mỹ cần phải xây dựng 5 khu tái định cư...

“Đây là công việc đặc biệt lớn đối với các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn nếu so với lực lượng cán bộ hiện có và thủ tục hành chính cần phải làm...”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo các xã: Tiên Phương, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Thủy Xuân Tiên... khẳng định, đã huy động tối đa nhân lực, động viên cán bộ tăng giờ làm việc... Tuy nhiên, do công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng những năm trước đây còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, thời điểm hình thành tài sản trên đất. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục di chuyển mồ mả trong trường hợp người dân chưa đồng thuận. Một số hộ dân cũng chưa đồng thuận về cơ chế, chính sách thu hồi đất ao, đất vườn liền kề với đất ở...

“Mặc dù xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, các cấp, ngành đã có nhiều văn bản giải đáp, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn chưa đồng ý kiểm đếm; tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chỉ giới đường đỏ đoạn đường về hướng đê đường 6...”, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên Phan Ngọc Thanh nêu khó khăn.

Đồng bộ triển khai, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trịnh Duy Oai khẳng định, dự án có vai trò đặc biệt quan trọng đối với huyện. Do vậy, huyện đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) để thực hiện các bước giải phóng mặt bằng ngay từ những ngày đầu tiên.

Ngay sau khi thành phố Hà Nội quyết định điều chuyển nhiệm vụ giải phóng mặt bằng từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố về huyện, Chương Mỹ càng quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phấn đấu đến cuối năm 2024 bàn giao khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp và đất công cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố...

Để hoàn thành kế hoạch trên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng thông tin, huyện đã phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6. Huyện Chương Mỹ và 9 xã, thị trấn đã thành lập tổ tuyên truyền giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và Đảng ủy xã, thị trấn làm Tổ trưởng...

“Tổ tuyên truyền của xã Phú Nghĩa có 15 đồng chí là trưởng các cơ quan, đoàn thể thuộc xã và thôn. Chúng tôi đã phân công tổ viên đến từng gia đình, hộ dân có diện tích cần thu hồi để tuyên truyền tầm quan trọng của dự án; vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước...”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Nghĩa Vương Thị Hằng cho biết.

Cùng những việc làm trên, huyện Chương Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các đơn vị chuyên môn của huyện và chủ đầu tư để nghe tiến độ và những khó khăn vướng mắc, kịp thời bàn bạc có phương án giải quyết, tháo gỡ. Những vấn đề phát sinh, phức tạp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng đã được tháo gỡ. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đến nay, huyện đã bàn giao 23,2ha đất cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố để thi công xây dựng công trình tại địa bàn các xã: Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, thị trấn Xuân Mai, với tổng chiều dài khoảng 5,9km.

Để tạo khí thế và động lực cho huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua giải phóng mặt bằng ở các xã, thị trấn, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương, lãnh đạo huyện Chương Mỹ và các xã, thị trấn đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công những đoạn đường đã bàn giao mặt bằng.

Liên quan nội dung này, Trưởng phòng Quản lý thực hiện dự án 5 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố) Nguyễn Trường Giang khẳng định đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án ngay khi nhận mặt bằng, đủ điều kiện thi công...

Thực tế cũng cho thấy, ngoài thúc đẩy dự án trọng điểm của thành phố hoàn thành đúng tiến độ, việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng còn củng cố sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân huyện Chương Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ quyết liệt giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.