(HNM) - Trong số báo trước, Báo Hànộimới đã trích đăng ý kiến của Thanh tra Chính phủ xung quanh dự án đầu tư xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (TSN-BL). Trong tuần, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chính thức có giải trình về các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số vấn đề từ quan điểm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi: Dự án được mong đợi
Khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp….nơi đường TSN-BL đi qua luôn là điểm nóng về an toàn giao thông. Nhiều năm liền, khu vực này chiếm đến gần 1/3 các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông của toàn thành phố. TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư đến với dự án, nhưng trước khi có sự xuất hiện của tập đoàn GS E&C - nhà đầu tư hiện nay của dự án, các lần kêu gọi đầu tư trước đều không thành công vì đây là dự án lớn, khá kén nhà đầu tư.
Khi có nhà đầu tư, khu vực xây dựng đường TSN-BL đã rất đông đúc. Tính chất đường vành đai của dự án không còn phù hợp và hơn nữa, trước áp lực phải giải tỏa số lượng nhà dân quá nhiều nếu thực hiện xây dựng đường rộng đúng 60m theo quy hoạch, trong khi ngân sách TP có hạn, nhà tái định cư cho dân thiếu thì đây thực sự là một gánh rất nặng. Trong bối cảnh ấy, TP buộc phải cân nhắc tìm phương án khả thi nhất. Chính vì vậy mới có việc điều chỉnh quy hoạch một đoạn 1,5km trong toàn tuyến dài 13,5km của dự án, từ một con đường rộng 60m tách ra làm hai tuyến đường, mỗi tuyến rộng 20m (chủ yếu nằm trong địa phận quận Tân Bình và được xây dựng trên cơ sở của hai đường Bạch Đằng và Hồng Hà hiện hữu). Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, nếu làm đường theo hướng cũ, quận Tân Bình sẽ có 392 hộ bị giải tỏa (trong đó 259 hộ giải tỏa trắng và 133 hộ giải tỏa một phần). Còn theo phương án điều chỉnh, số hộ bị giải tỏa giảm xuống còn 284 hộ (gồm 39 hộ giải tỏa trắng và 245 hộ giải tỏa một phần). Về chi phí, nếu giữ nguyên quy hoạch thì toàn dự án cần đến 11.000 tỷ đồng cho công tác đền bù giải tỏa, còn theo phương án điều chỉnh thì chỉ cần hơn 8.000 tỷ đồng.
Đổi đất lấy hạ tầng: Phải đổi ngang giá
TP Hồ Chí Minh đã giao 5 khu đất ở các quận 2, 9, Thủ Đức…cho Tập đoàn GS E&C; đổi lại doanh nghiệp này sẽ đầu tư xây dựng đường TSN-BL cho thành phố với hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ rằng việc định giá các khu đất phải được tính triển khai vào thời điểm có quyết định cho thuê đất, nhưng TP lại tiến hành sớm hơn, và việc cho Công ty GS E&C thuê 5 khu đất mà không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, làm thiệt hại cho ngân sách hơn 44 triệu USD, lãnh đạo TP cho biết, chỉ tính riêng khu đất ở Thủ Thiêm, thời điểm cho thuê đất, khu vực này chưa có hạ tầng kỹ thuật, chưa giải phóng mặt bằng nên khó định giá. Thế nhưng, TP đã chủ động lấy khu đất trên đường Nguyễn Hữu Cảnh gần đó - nơi đã có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, lại nằm ở gần trung tâm, và đã được đấu giá để so sánh với khu đất giao cho tập đoàn GS E&C. Đây là khu đất có diện tích lớn gấp đôi đất ở Thủ Thiêm nhưng chỉ thu được 50 triệu USD. Khu đất ở Thủ Thiêm nhỏ hơn tới gần một nửa, chưa có hạ tầng kỹ thuật, nhưng cho tập đoàn GS E&C thuê với giá 100 triệu USD thì không thể nói gây thiệt hại cho ngân sách được. Quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh là, khi so sánh giá đất phải so sánh cùng một thời điểm thì mới có thể kết luận làm thiệt hại cho ngân sách hay không..
Xung quanh kết luận của Thanh tra Chính phủ đề cập UBND TP cho tập đoàn GS E&C thuê đất mà không tổ chức đấu thầu giá sử dụng đất, tự định giá đất mà không căn cứ vào ý kiến tham mưu của Sở Tài chính là vi phạm nguyên tắc tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế không phải như vậy, quá trình xem xét sự việc diễn tiến qua nhiều giai đoạn và cơ quan tham mưu có quyền đề xuất ý kiến nhưng UBND TP sẽ phải xem xét tính hợp lý, hợp pháp…trước khi quyết định. Trường hợp khu đất là trường bắn ở quận 9, lúc đầu dự kiến giao diện tích lớn nhưng sau có giảm hơn so với trước nên UBND TP buộc phải xem xét đến thực tế này để đưa ra mức giá phù hợp. Hơn nữa, khu đất này lúc đó cũng chưa có hạ tầng cơ sở, tập đoàn GS E&C thuê thì phải đầu tư hạ tầng, sử dụng và bảo trì trước khi giao lại cho TP.
Đối với việc điều chỉnh hướng tuyến (từ một đường tách ra làm hai đường), Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND TP Hồ Chí Minh không xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, không lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, không lấy ý kiến của người dân trong khu quy hoạch là không phù hợp với quy định của pháp luật. Về việc này, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, hướng tuyến đường là một trong những nội dung của dự án nên Chủ tịch UBND TP phê duyệt là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, thay vì làm việc này sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng về thẩm định thiết kế cơ sở công trình, nhưng với mong muốn đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa công trình sớm vào sử dụng, sớm giải tỏa ách tắc giao thông cho khu vực, Chủ tịch UBND TP đã phê duyệt hướng tuyến trước khi có sự thẩm định của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở công trình. Việc này UBND TP Hồ Chí Minh nghiêm túc rút kinh nghiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
"TP Hồ Chí Minh triển khai dự án xây dựng đường TSN-BL với động cơ trong sáng, xuất phát từ việc muốn làm lợi cho đất nước, cho TP. Chúng tôi minh bạch trong đầu tư". Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Nguyễn Thành Tài khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.