Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tình yêu gìn giữ nét văn hóa làng cổ

Nguyễn Mai| 28/05/2022 06:40

(HNM) - Làm kẹo lạc, tương nếp, bánh rán nước, kho cá, nhuộm vải nâu… vốn là công việc trong cuộc sống thường nhật ở ngôi làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Tuy nhiên, bằng tình yêu di sản của quê hương, chị em phụ nữ nơi đây đang đưa những món quà quê dân dã này trở thành kỷ niệm khó quên với du khách. Họ đã thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản ở Đường Lâm để cùng bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa làng cổ ở nơi đây…

Người dân làng Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm làm kẹo lạc truyền thống.

Cùng giữ gìn, phát triển di sản quê hương

Mỗi tháng một lần, những phụ nữ có chung tình yêu làng cổ ở Đường Lâm lại tề tựu sinh hoạt cùng nhau. Họ sẻ chia kinh nghiệm, đóng góp cách làm, mong muốn được góp phần vào công việc gìn giữ, phát triển các di sản vật thể, phi vật thể bao đời cha ông truyền lại. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản làng cổ Đường Lâm Phan Thị Bao vui vẻ giới thiệu, cơ duyên để những phụ nữ ở Đường Lâm “tụ hội” trong Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản là vào năm 2018, chị Bao cùng 4 chị em có nhà cổ ở Đường Lâm được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ sang tham quan mô hình du lịch làng cổ tại Nhật Bản. Trong chuyến đi, chị Bao nhận thấy phụ nữ Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn làng cổ. Từ đó, chị nung nấu ý tưởng cùng những chị em có chung tình yêu làng cổ thành lập câu lạc bộ nhằm khôi phục, bảo tồn, phát triển di sản quê hương mình.

Là giáo viên tiểu học, gia đình lại có nghề làm kẹo truyền thống lâu đời ở làng Đông Sàng, chị Phan Thị Bao đã tự cắt may những bộ quần áo bà ba bằng vải nhuộm màu củ nâu cho du khách mặc chụp ảnh, giúp du khách trải nghiệm làm bánh kẹo tại gia đình. Năm 2020, chị thuyết phục thêm chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Mông Phụ - chuyên trồng rau sạch cùng tham gia đón và tổ chức cho du khách hoạt động trải nghiệm trồng rau, mang lại niềm thích thú với họ. Để mở rộng hoạt động, chị Bao thuyết phục thêm chị Giang Thị Lan Anh - chuyên làm bánh gai, bánh rán nước, bánh chè kho tham gia mô hình… Những hoạt động sản xuất gắn với các món quà quê dân dã đã giúp khách du lịch được trải nghiệm và góp phần bảo tồn nét đặc trưng của làng cổ. Từ đây, người dân có thu nhập tốt hơn, du khách cũng ngày một nhiều hơn nên dần thu hút chị em tham gia ngày một đông. Đến nay, câu lạc bộ đã có 12 thành viên, mỗi người một thế mạnh. Người giỏi nội trợ, người giỏi thuyết minh về làng cổ, có người lại giỏi cày cấy, đan lát, khâu may… Mỗi người bảo tồn, phát triển một nhóm sản phẩm mang những nét đặc trưng của làng cổ, rồi biến chúng thành sản phẩm du lịch, giới thiệu những nét đẹp độc đáo của làng quê đến du khách gần xa.

Nhiệm vụ chính của thành viên trong câu lạc bộ là tuyên truyền đến người dân giữ gìn di sản, khôi phục lại tất cả món ẩm thực truyền thống của các làng trong xã Đường Lâm như: Bánh rán nước, bánh sắn, bánh đúc; kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo bột; các món cá kho riềng, lợn quay đòn lá ổi, làm tương…

Theo lời giới thiệu của chị Giang Thị Lan Anh thì bánh rán nước là một trong những món ăn truyền thống của làng Đông Sàng. Xưa kia, mỗi khi các gia đình có cỗ đều làm bánh rán nước để ăn tráng miệng. Gọi là bánh rán nước bởi bánh có màu vàng như chiếc bánh rán nhưng lại là món nước giống bánh chay. Để tạo màu vàng cho miếng bánh, người dân ở đây đã sử dụng quả dành dành khô ngâm nước cho ra màu vàng nâu. Nước dành dành trộn với bột nếp để làm bánh sẽ có màu như bánh rán. Hay với món thịt lợn quay đòn, có lẽ chỉ ở Đường Lâm mới có. Cái lạ của món ăn là thịt ba chỉ được ướp với hạt tiêu, nước mắm và không thể thiếu lá ổi thái nhỏ. Tảng thịt được tẩm ướp vừa đủ, quấn lên đòn tre và quay trong lò than hoa 6 tiếng. Khi chín, miếng thịt vàng ruộm với phần bì giòn tan cùng hương thơm vô cùng quyến rũ...

Làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống

Sau một thời gian hoạt động, Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản ở Đường Lâm đã thu được những trái ngọt. Các gia đình phụ nữ tham gia câu lạc bộ có nhà cổ đã nhận thức sâu sắc được việc giữ gìn những công trình kiến trúc cổ. Đặc biệt, nhiều món ẩm thực đặc sản của Đường Lâm được khôi phục và trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. “Trước mắt, chúng tôi đã đưa sản phẩm này tới các gia đình có nhà cổ đang đón khách du lịch và nhà hàng trên địa bàn xã để bán và giới thiệu tới du khách. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em tham gia câu lạc bộ để đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn di sản, đồng thời, tạo thêm việc làm và thu nhập cho họ”, chị Phan Thị Bao chia sẻ... Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn dự kiến đưa các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của Đường Lâm như: Lạc, ngô nếp, củ cải khô… vào khu trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân và để khách du lịch vừa được thăm các di tích, trải nghiệm cuộc sống của người dân làng cổ, vừa được thưởng thức các sản vật của quê hương…

Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, xã Đường Lâm có 9 thôn, trong đó 5 thôn có hệ thống nhà cổ, công trình đền chùa, di tích là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng là quê hương của 2 vua: Ngô Quyền và Phùng Hưng, có 19 công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử và hàng trăm ngôi nhà cổ, đền, phủ, miếu, giếng cổ. Đường Lâm cũng được biết đến là “Làng Việt cổ đá ong” với vật liệu đá ong xây dựng làng xóm tạo nên cảnh quan rất đặc trưng, tiêu biểu cho làng truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, như bao ngôi làng cổ khác, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nơi đây đứng trước nguy cơ các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Nhiều ngôi nhà cổ đã bị thay thế bởi những ngôi nhà mới, một số phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người dân làng cổ cũng thay đổi. Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản ở Đường Lâm ra đời đã khai thác được rất nhiều giá trị di sản văn hóa của địa phương, không chỉ là ẩm thực mà còn có đồ lưu niệm mang âm hưởng làng cổ, giữ nghề nông nhưng gắn với du lịch trải nghiệm…, giúp phụ nữ có thêm thu nhập, qua đó khích lệ sự sáng tạo của mỗi người.

Đến thăm Làng cổ Đường Lâm không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể di sản văn hóa Việt mà còn là dịp du khách được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc sắc của miền quê này. Sự khéo léo, chịu thương, chịu khó với nhiều sáng tạo của những người phụ nữ ở vùng đất cổ Đường Lâm đã làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Với những cách làm hay, phụ nữ Đường Lâm đang góp phần tăng sức hấp dẫn của ngôi làng cổ chứa đựng những di sản độc đáo hấp dẫn du khách bốn phương...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tình yêu gìn giữ nét văn hóa làng cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.