Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm

Hoàng Sơn| 06/09/2020 06:31

(HNM) - Để cải thiện chất lượng không khí, xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm hiện nay tại Hà Nội, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng với hệ thống giải pháp đồng bộ, mỗi người dân Thủ đô cần chung tay, thể hiện rõ trách nhiệm qua từng việc làm cụ thể. Đây là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định.

Xác định rõ nguồn gây ô nhiễm

- Để xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm thì việc xây dựng hệ thống quan trắc không khí và kiểm kê nguồn thải có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây có thể xem là nền tảng để đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Ông có thể cho biết rõ hơn về những việc Hà Nội đã và đang làm liên quan đến vấn đề này?

- Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc không khí. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quản lý vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động. Ngoài ra, Sở đang triển khai dự án đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động và 6 trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2021.

Hệ thống trạm quan trắc này được kết nối đồng bộ và truyền dữ liệu về Trung tâm Quản lý dữ liệu tại Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng không khí, trên cơ sở đó kịp thời có cảnh báo tới cộng đồng và phục vụ công tác quản lý nhà nước, tham mưu với UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác với một số tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện việc kiểm kê nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Qua đó, Sở đã xác định được 12 nguyên nhân và đề xuất 19 giải pháp. Trong đó, nhóm nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là: Khí thải từ số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông không thực hiện nghiêm túc việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ hằng ngày. Ngoài ra, còn nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt và các nguồn ô nhiễm từ bên ngoài vào Hà Nội.

- Cùng với việc xác định nguồn gây ô nhiễm thì xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các hình thức xử phạt hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn vì không đủ sức răn đe. Ông nhận định thế nào?

- Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra các quy định về việc người gây ô nhiễm phải trả phí để xử lý bảo vệ môi trường; Chính phủ cũng đã có Nghị định số 155/2016/NĐ-CP Hà Nội, ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tuy nhiên, việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao vì mức xử phạt còn thấp, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền cơ sở chưa liên tục, quyết liệt nên chưa đủ sức răn đe. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính căn cứ vào Luật Thủ đô để nghiên cứu, đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, trình HĐND thành phố ban hành để triển khai.         

- Vậy, phải làm gì để buộc người xả thải đóng phí bảo vệ môi trường?

- Theo tôi, cần xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quy định cụ thể từng đối tượng, từng hành vi gây ô nhiễm và mức phạt đủ sức răn đe. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở các cấp, lực lượng cảnh sát môi trường, cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các hành vi gây ô nhiễm và mức xử phạt...

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp 

- Có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí, để xử lý phải có lộ trình phù hợp. Ông có thể cho biết những giải pháp căn cơ nhất nhằm khắc phục tình trạng trên; trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào giải pháp đột phá nào?

- Ô nhiễm không khí có tính chất lan truyền và việc quản lý chất lượng không khí cần có giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn được triển khai đồng bộ từ trung ương tới từng địa phương, từng vùng. Trước mắt, Hà Nội đang tập trung triển khai các giải pháp loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong và than cấp thấp trong đun nấu, sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trước ngày 31-12-2020; xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ vào năm 2021; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thành phố sẽ đưa vào vận hành nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và tăng cường công tác thu gom rác thải về khu xử lý tập trung, xóa bỏ tình trạng tồn đọng rác thải, đốt rác thải tự phát ở khu vực ngoại thành...

Về các giải pháp trung hạn, dài hạn, thành phố Hà Nội tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động vào năm 2021, bảo đảm cung cấp chuỗi dữ liệu liên tục, đầy đủ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo ô nhiễm, xác định nguồn gây ô nhiễm... Thành phố tiếp tục triển khai chương trình trồng cây xanh trên địa bàn; thực hiện kiểm định, kiểm soát khí thải xe máy, áp dụng theo tiêu chuẩn khí thải euro 4, 5; nâng cao chất lượng nhiên liệu xăng dầu. Bên cạnh đó là thực hiện nghiên cứu, đánh giá, giám sát các nguồn ô nhiễm vận chuyển từ khu vực khác vào Hà Nội, ô nhiễm xuyên biên giới để có giải pháp phối hợp liên khu vực xây dựng phương án bảo vệ môi trường không khí.

- Giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện chất lượng không khí không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Người dân Thủ đô cần làm gì để góp phần tạo bầu không khí trong lành cho chính mình và cộng đồng, thưa ông?

- Để có bầu không khí trong lành cho chính mình và cộng đồng, mỗi người dân cần nhận thức rõ, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí không chỉ của các cơ quan chức năng mà thuộc về tất cả mọi công dân Thủ đô. Người dân cần thực hiện tốt Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25-12-2019 của UBND thành phố Hà Nội về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể là: Không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp; không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo không gian xanh trong các gia đình... Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không để rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phát huy tối đa vai trò giám sát, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường để cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Tôi tin rằng, khi mỗi người dân có nhận thức đúng, chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm hằng ngày sẽ hình thành sức mạnh to lớn, mang lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.