(HNM) - Tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động Vì trẻ em, đồng thời là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm. Các tổ chức, cá nhân có thể gọi điện thoại tới Đường dây nóng 18001567 để phản ánh, tố giác hành vi, nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhận được thông tin, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý kịp thời. |
Báo động tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em
Trên thế giới, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, song tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo thống kê, trong tổng số gần 26 triệu trẻ em dưới 16 tuổi ở nước ta hiện nay có gần 1,5 triệu trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, tàn tật, lang thang, lao động sớm, nghèo, bị buôn bán, bắt cóc, lạm dụng tình dục…) và hơn 2,5 triệu em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đáng lo ngại hơn, số vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại xảy ra ngày một nhiều. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại trẻ em (8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại).
Trước đây, trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi 13-18, thì nay xuất hiện nhiều vụ việc nạn nhân ở lứa tuổi 5-13 tuổi. Trong nhiều vụ việc, thủ phạm là họ hàng, người thân trong gia đình hoặc quen biết với nạn nhân. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam cũng cho thấy, trong số hàng nghìn trẻ em được hỏi có 31% số em gái vị thành niên, thanh niên cho biết họ từng vị quấy rối tình dục nơi công cộng; 11% học sinh của 30 trường phổ thông ở Hà Nội tiết lộ các em từng bị xâm hại, quấy rối tình dục…
“Một số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em gây phẫn nộ thời gian gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, số vụ trẻ bị bạo lực, xâm hại nhiều hơn con số thống kê bởi có nhiều vụ việc không được phát hiện hoặc người nhà, nạn nhân không tố cáo” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phản ánh.
Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần cho nạn nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Youssouf Abdel - Jelil cho biết, bạo lực, xâm hại trẻ em ước tính sẽ lấy đi khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của các nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ cản trở sự phát triển toàn diện của đất nước.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống
Để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/ NĐ-CP ngày 9-5-2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Với những quy định chặt chẽ, Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ 1-6-2017, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ trẻ em. Theo các quy định pháp lý, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…
Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, các ngành, địa phương đã và đang tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trẻ em; quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường; trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại…
Tại Hà Nội, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng gia đình tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trong dịp hè.
Ngoài các giải pháp nói trên, ông Youssouf Abdel - Jelil khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tăng cường nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ trẻ bằng cách xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cấp cơ sở, thành lập các tổ chức xã hội chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; đồng thời phân bổ ngân sách hợp lý dành cho trẻ em. Với trẻ em, ông Youssouf Abdel - Jelil khuyên: “Mỗi trẻ em hãy là một nhân tố tạo nên sự thay đổi, hãy nói lên tiếng nói về cuộc sống của chính mình”.
Có thể thấy, để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, trước hết cần tạo ra môi trường an toàn cho trẻ từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Quan trọng hơn, nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình về vấn đề này cần có sự thay đổi. Đứng trước vụ việc bạo lực, xâm hại, nạn nhân và gia đình không nên im lặng, hãy lên tiếng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.