Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay giữ gìn nét đẹp quê hương

Nguyễn Mai| 27/01/2012 07:33

(HNM) - Không ồn ào, không khoa trương cũng không phải là những người "đứng mũi chịu sào" ở các làng quê, những người tự nguyện với công việc "không tên", lặng lẽ, thầm lặng như sự yên bình vốn có của các làng, xã nông thôn. Tuy nhiên, những việc làm ấy lại mang đến ý nghĩa lớn, hiệu quả thiết thực cho các xóm làng, tạo nên bộ mặt nông thôn mới.

Trong những ngày đầu xuân mới, ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, không khí lao động đã náo nhiệt, rộn ràng khắp các xóm, thôn. Người tất bật với những vườn phong lan, người chăm chút cho vườn cam, bưởi sau kỳ thu hoạch, người đã ngược xuôi cho những chuyến hàng buôn bán. Chỉ có tiếng chổi xì xoẹt quét đường cùng những gốc cây xanh cứ lớn dần theo thời gian, tỏa bóng mát bên đường là lặng lẽ. Sự lặng lẽ mang lại màu xanh, sạch cho làng quê ấy chính là từ bàn tay của một cụ già đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm" với ước mơ giản dị làm đẹp quê hương.

Về Đông La, cứ hỏi thăm cụ Phùng Đình Lộc thì ai cũng biết. Sở dĩ cụ "nổi tiếng" như vậy vì suốt nhiều năm qua, cụ lặng lẽ làm việc "chẳng giống ai" - đi nhặt hạt chín, cây con ở các nơi về ươm rồi đem trồng khắp đường làng, công trình công cộng. Nhất là khi ngày xuân đến, những cơn mưa phùn rả rích, là thời điểm lý tưởng để trồng cây. Thế là suốt ngày cụ vác thuổng trên vai, lúc thì ra khu vườn ươm hạt giống, lúc đi trồng cây, trồng hoa trên con đường làng. Đã 80 xuân, bàn tay già nua, nhăn nheo và có phần chai sần bởi lao động của cụ nâng niu từng mầm cây nhỏ. Mỗi một lần đặt gốc, cụ Lộc vừa mừng vừa thấp thỏm. Cụ lo liệu cây có bén rễ, hồi xanh; rồi lại lo bọn trẻ nghịch ngợm nhổ mất... Cụ Lộc tâm sự, cứ trồng được một gốc cây, thấy cây lên xanh thì lòng vui hẳn lên, người khỏe ra. Ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, những cống hiến thầm lặng của cụ đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, biểu dương gương Người tốt - việc tốt.

Qua Đông La, chúng tôi đến làng cổ Sơn Đồng (Hoài Đức). Gọi là "cổ" không phải vì làng có nhiều ngôi nhà còn nguyên nét xưa, cũng không phải xóm làng giữ được nhiều nét kiến trúc nông thôn truyền thống mà đó là cách gọi "nôm na" cho làng nghề chuyên làm đồ thờ, tượng phật, hoành phi câu đối mang đậm nét văn hóa truyền thống. Để làm tốt nghề này, người làng không chỉ luyện cho đôi tay khéo léo, mà còn phải giỏi chữ Hán Nôm. Nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường, ngoài tiếng mẹ đẻ nhiều người biết tiếng "tây" chứ mấy người biết tiếng Hán Nôm. Vậy là không cần tiền công, cũng chẳng phải ai động viên, khuyến khích, cụ đồ Vết (Nghiêm Quốc Đạt) ở làng Sơn Đồng đã tình nguyện dạy chữ Hán Nôm miễn phí cho người dân quê. Cụ cho biết, mở lớp dạy Hán Nôm để dạy chữ, đồng thời dạy đạo làm người cho các cháu nhỏ. Nhiều người tiếng là ngày ngày giỏi chạm khắc hoành phi câu đối nhưng thực ra kiến thức về Hán Nôm còn rất ít. Dạy chữ Hán Nôm tưởng chừng như đơn giản nhưng quả thật chỉ "sai một ly là đi một dặm". Cho nên trong tất cả các buổi học, cụ đồ đều phải hướng dẫn, giảng giải tỉ mỉ từ cách viết nét ngang, nét dọc, nét sổ thẳng, nét chấm… rồi phiên âm cách đọc, giảng nghĩa của từ. "Thôi thì vất vả nhưng cũng giữ được đôi chút văn hóa truyền thống là mừng lắm rồi" - cụ đồ Vết vừa nhấp trà vừa tâm sự.

Ngược lên "quê hương người gái đảm" xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng ngày đầu năm mới, bước chân trên những con đường thênh thang còn trắng tinh màu bê tông mới, chúng tôi lại được nghe câu chuyện về sự đoàn kết chia sẻ, chung tay góp sức của những người nông dân vốn chân lấm, tay bùn.

"Khi nghe xóm, thôn phát động, sau đó thông báo kết quả đạt được, nếu không phải người dân Tân Thịnh thì có mấy ai tin đâu. Đất ven đô giá lên vùn vụt từng ngày, nhưng 11 hộ dân của xóm này đã hiến hơn 800m2 đất thổ cư để có con đường bê tông rộng 4,5m nối dài với thôn trên đấy"- ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng thôn Tân Thịnh mở đầu câu chuyện hiến đất làm đường quê ông. Không chỉ hiến đất, nhiều hộ còn phá dỡ cả công trình phụ như nhà ông Đặng Văn Quy có 7 gian công trình phụ, 1 hầm bioga vừa xây dựng; ông Đỗ Văn Trung chặt hàng chục gốc bưởi Diễn đang kỳ thu hoạch sai trĩu quả… Ông Trung trải lòng tâm sự: "Nhà nước phát động làm đường giao thông để đi lại, sản xuất dễ dàng hơn, gọi là đường chung của làng, của xóm nhưng mình là người hưởng lợi, có mất đi đâu mà sợ". Bà Tạ Thị Thái đã hiến 60m2 đất gần đó tiếp lời, "huyện tổ chức đấu giá đất ở đầu thôn vị trí đẹp trúng thầu thấp nhất cũng đã 17 triệu đồng/m2, nếu quy ra tiền thì có nhà lên tới vài trăm triệu đồng đấy. So bì thế thì to thật, nhưng "miệng ăn, núi lở" tính toán mấy mét vuông đất có giải quyết được gì".

Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng thôn cho biết, "Sau khi các hộ đã hiến đất, tháo dỡ công trình phụ và san ủi mặt bằng nếu thuê máy móc cũng phải mất mươi triệu. Số tiền này lấy ở đâu? Chúng tôi rất băn khoăn. Vậy là ngay tối hôm đó, thôn đã mở hội nghị mời tất cả các hội đoàn thể, mặt trận Tổ quốc cùng bà con trong xóm tham gia. Mọi người đều thống nhất cao, người góp thêm 1 triệu đồng, người 2 triệu đồng. Ông Dũng cho biết thêm, thôn Tân Thịnh hiện có 5 ngõ chính và 4 ngõ ngang xương cá với khoảng 300 nóc nhà, sau khi ngõ này hiến đất phá ngõ cụt, nhiều ngõ khác cũng đã đề nghị với thôn, bà con sẵn sàng hiến đất để mở rộng các ngõ còn lại.

Trong bộn bề của cuộc sống hôm nay vẫn hiện hữu những tấm gương, những con người bình dị, thầm lặng góp công sức làm đẹp cho những vùng quê thanh bình. Những việc làm "không tên" ấy chính là một trong những nét đẹp tạo nên "bức tranh quê" khởi sắc. Điều đó cho thấy không phải xây dựng nông thôn mới là việc làm to tát, lớn lao mà bắt đầu từ chính ý thức của người dân, với những việc làm rất nhỏ và cụ thể. Họ làm bằng tình yêu quê hương làng xóm của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giữ gìn nét đẹp quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.