(HNM) - Báo mạng VnExpress ngày 4-5 đưa nội dung cuộc phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường, trong đó có đoạn vị Phó Tổng cục trưởng thừa nhận: "Bản thân tôi đã chứng kiến cũng như nhiều lần bị taxi lừa đảo. Cùng một quãng đường song phải chịu giá tiền gấp ba. Tôi biết rõ ràng là bị lừa song không làm gì được và vẫn phải chấp nhận trả tiền".
Đã có nhiều độc giả bình luận về bài phỏng vấn nói trên và hóa ra, cũng như vị quan chức cấp cao của ngành du lịch, khá nhiều người trong số họ đã từng lâm vào tình trạng bị chủ các phương tiện vận chuyển hành khách "chặt chém", đa số chọn cách trả tiền cho xong thay vì nhờ nhà chức trách can thiệp. Một số đặt câu hỏi, đại ý tại sao một quan chức mà chấp nhận chịu thua trước hành vi gian lận trắng trợn? Quan chức cũng trả tiền cho xong chuyện, dân thường thì sao?
Cung cách ứng xử thiếu phù hợp trước những hành vi vi phạm pháp luật không phải là câu chuyện riêng liên quan đến các phương tiện vận chuyển hành khách, mà nó có ở nơi công cộng, trong các giao dịch hành chính ở xã, phường; trong môi trường kinh doanh, sản xuất nói chung và thậm chí là cả trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di sản. Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống, liệu tâm lý né tránh, chấp nhận, hoặc giả là đơn giản hóa hệ lụy từ sự xấu có phải đã ở mức đáng ngại hay không?
Lâu nay, ta vẫn thấy, vẫn nghe chuyện nhiều người chấp nhận "sống chung" với thói xấu, nhún nhường, né tránh và thậm chí là chấp nhận chịu thiệt trước hành vi đáng bị lên án. Tâm lý "tránh voi…", lối nghĩ "miễn là không hại đến mình" có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cảnh đời không dễ chịu, là tác nhân tạo cơ hội cho thói xấu hoành hành. Có bao người ngoảnh mặt, khoanh tay dù biết kẻ trộm đang móc túi đồng loại? Có bao người đóng vai "quan sát viên" trước cảnh "đầu gấu" đánh người ngay giữa ban ngày? Có bao người chấp nhận trả tiền cho xong một việc mà nhẽ ra không cần phải làm như thế? Nhiều người nghĩ rằng chống lại cái xấu là việc riêng của cơ quan chức năng, và bởi vậy, dù có biết người này, người kia, nhóm này, nhóm khác buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái pháp luật… thì cũng im lặng, không thông báo nghi vấn với cơ quan thi hành luật. Tâm lý ấy, thói quen ấy đã đến lúc cần có sự thay đổi, vì lợi ích cộng đồng và của cả cá nhân.
Sự tranh luận, những lời bình luận nói trên có phải là tín hiệu đáng mừng hay không? Có lẽ là có, xét trên ý nghĩa kêu gọi toàn xã hội tuyên chiến với cái xấu, cái ác, bất kể người bị hại là quan chức hay thường dân. Vấn đề là tạo cơ chế hỗ trợ cần thiết để cộng đồng cùng thể hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, giúp họ không lẻ loi trong cuộc chiến chống lại thói xấu và cái ác. Có thể nghĩ cách hoàn thiện, và đặc biệt là duy trì sự thông suốt của các loại "đường dây nóng" mà qua đó, người dân có thể thông báo hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm rằng thông tin của họ sẽ được xử lý một cách có trách nhiệm. Người dân cần phải biết "nói với ai" mỗi khi quyền lợi của họ bị xâm hại hoặc bị gây khó dễ một cách không chính đáng.
Đã đến lúc cần có giải pháp mạnh mẽ đối với những hành vi trái luật bất chấp thủ đoạn và bất chấp mối nguy hại gây ra đối với cộng đồng. Sự nghiêm minh sẽ giúp hạn chế tình trạng "láo nháo pháo ăn xe", người ngay không còn sợ kẻ gian và những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính có cơ hội nhiều hơn - điều mà họ xứng đáng có được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.