Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chúng ta chưa khai thác hết sử Việt!”

Thi Thi| 14/07/2013 06:30

(HNM) -



Anh tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện là nghiên cứu viên của Viện Văn học Việt Nam. Vốn tiếng Hán bài bản, thái độ truy nguyên tận nguồn tài liệu, phương pháp so sánh phong phú, Trần Quang Đức không chỉ xác lập giá trị riêng có của công trình, mà còn mở hướng nghiên cứu minh chứng cho nền văn hiến nước ta. Hànộimới trò chuyện cùng nhà nghiên cứu trẻ.

- Nữ đạo diễn Hải Anh, trong bộ phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt" từng khẳng định: Có những vùng trắng về sử liệu, hiện vật khiến cho việc tái hiện trang phục của người Việt vô cùng khó khăn. Anh có đồng tình với nhận định này?

- Tôi nghĩ, không chỉ trang phục mà nhiều khía cạnh lịch sử khác cũng có những mảng khuất, do không có ghi chép và hiện vật. Tôi quan niệm, nếu không có ghi chép, tư liệu tranh tượng chỉ mang tính tham khảo. Vả lại, sử liệu, dẫu có mô tả kỹ lưỡng chăng nữa thì chúng vẫn có khoảng cách với sự thực. Đáp án chính xác của trang phục Việt chỉ có thể là hiện vật khảo cổ.

Tuy nhiên, trên thực tế, tư liệu, văn tự về sử Việt nói chung còn nhiều, chẳng qua chúng ta chưa khai thác hết mà thôi. Trong tương lai, khi công nghệ hiện đại hơn, kho tư liệu của các nước cởi mở hơn, tôi tin những mảng khuất của lịch sử Việt Nam sẽ được soi tỏ hơn nữa.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.


- Chỉ ra "phần lớn trang phục cung đình Việt Nam tham khảo từ điển chương, chế độ của Trung Quốc", anh đồng thời đưa ra nhiều minh họa về sự ảnh hưởng đó tới các nước trong khu vực như Nhật Bản, Triều Tiên. Đây có phải là một cách làm mới mẻ, một dụng ý nhằm dẫn dắt bạn đọc tới nhận định "Văn minh Trung Hoa đã trở thành một kho dữ liệu chung"?

- Việc so sánh với các nước trong cùng khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán có thể cho chúng ta cái nhìn công tâm và chính xác hơn về sự mô phỏng, biến dị cũng như tiếp biến văn hóa mang đặc tính riêng của mỗi nước. Tôi lấy ví dụ, tại Hàn Quốc, từ năm 650 tới 665, triều đình Tân La lần lượt quy định cho cung đình và dân gian sử dụng trang phục của nhà Đường. Tại Nhật Bản, năm 818, triều đình cũng ban chiếu, lệnh cho nam nữ mặc kiểu trang phục nhà Đường. Hàn Quốc và Nhật Bản, trong quá khứ cũng giống như triều đình Đại Việt độc lập, đều từng coi văn minh Trung Hoa là chuẩn mực, chủ động du nhập quy chế áo mũ của Trung Quốc. Nhưng, trải qua nhiều đợt du nhập trong hơn nghìn năm lịch sử, Nhật vẫn là Nhật, Việt vẫn là Việt, Trung Hoa vẫn là Trung Hoa.

- Chú trọng nghiên cứu thơ văn để tìm kiếm nhận định về trang phục của người Việt, câu thơ nào mang lại thông điệp mà anh ấn tượng nhất?

- Tôi ấn tượng câu thơ của Hồ Quý Ly tặng Nguyễn Ngạn Quang: "Cần cù chớ tưởng không ai biết/ Mắt này há bị miện lưu che". Miện lưu là dải tua ngọc trên mũ miện, 12 tua ngọc chỉ dành cho thiên tử. Vào thời Nguyễn, tua ngọc chỉ rủ xuống ngang trán. Song, qua câu thơ của Hồ Quý Ly, có thể đoán định rằng tua ngọc lúc bấy giờ rủ xuống quá tầm mắt.

- Sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đối chiếu, phân tích, hòng phác ra chân dung xác tín về trang phục Việt qua các thời kỳ, nhưng công trình của anh cũng chỉ ra những nghi ngờ trong các bản dịch chữ Hán hay từ những bức tượng"mang đậm thủ pháp dân gian"…

- Như tôi đã nói, không có tư liệu văn tự đối chứng, tranh tượng chỉ mang tính tham khảo, bởi có rất nhiều tác phẩm là sản phẩm tưởng tượng của nghệ nhân. Bản dịch cũng chỉ là bản diễn ngôn nguyên tác qua lăng kính chủ quan của dịch giả. Có bản dịch tốt và chưa tốt. Cho nên, một khi coi trọng tư liệu văn tự thì việc tra cứu, xử lý tư liệu gốc là quan trọng hơn cả. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Nhưng, một khi, chỉ cần phát hiện ra vài dòng chữ quan trọng liên quan đến trang phục Việt trong số những pho sách cổ đồ sộ đã là niềm vui sướng khôn tả.

- "Vua Trần Minh Tông đội mũ, thắt dây thao chứ không phải đội mũ có thao như cách dịch sai, hiểu sai trước đó", anh có tự tin những nhận định tương tự trong "Ngàn năm áo mũ" sẽ giúp rất nhiều cho các nhà làm phim lịch sử Việt Nam không?

- Dù còn nhiều mảng khuất, song đến thời điểm hiện tại, "Ngàn năm áo mũ" đã đưa ra nét phác họa khái quát về diện mạo trang phục Việt trải qua nhiều triều đại. Trong khả năng của mình, tôi cố gắng cung cấp cho bạn đọc, cho nhà làm phim thông tin chuẩn xác liên quan đến trang phục Việt. Áp dụng hay không và áp dụng như thế nào, đó là quyền của các nhà làm phim, tùy theo tính chất của từng bộ phim. Tôi chỉ hy vọng, tiếp sau đây các nhà làm phim sẽ cho ra mắt công chúng nhiều phim lịch sử nhẹ nhàng, thú vị, mang một cái nhìn mới, thay vì truyền tải những tư tưởng đã đóng khung lâu nay.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chúng ta chưa khai thác hết sử Việt!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.