Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức bảo vệ môi trường

Sơn Tùng| 16/11/2016 06:51

(HNM) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng biểu hiện rõ ràng và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống. Vì vậy, xác định những tác động và xây dựng biện pháp ứng phó, thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, các ngành của Hà Nội, trong đó có Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.


Trẻ em và học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Khi các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh, sinh viên giảm 35-55% tùy theo độ tuổi và mức độ phức tạp của môn học. Nắng nóng khiến gia tăng nhu cầu sử dụng điện làm mát, dẫn đến nguy cơ cháy nổ trường học do quá tải - chập cháy đường điện. Khi nhiệt độ ngoài trời giảm quá thấp, học sinh các cấp buộc phải nghỉ học để bảo đảm sức khỏe.

Ngoài tác động của nhiệt độ thì việc mưa bão, úng ngập quá mức cũng khiến học sinh không thể đến trường, đe dọa an toàn cơ sở vật chất trường học… Việc tổ chức học bù, dạy bù những ngày phải nghỉ trước đó ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch đào tạo của nhà trường, kế hoạch làm việc của các bậc phụ huynh…

Bên cạnh đó, do trường học là nơi tập trung đông người nên khả năng xuất hiện các đợt dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm diện rộng là rất cao. Khi gia tăng thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, bão, gió giật, mưa lớn, ngập lụt cục bộ… sẽ làm tăng nguy cơ thương tích cho học sinh, sinh viên cũng như gây thiệt hại đến cơ sở vật chất của các trường học…

Để chủ động ứng phó và thích ứng BĐKH, UBND thành phố đã chỉ đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống thảm họa thiên tai trong các trường học, cơ sở giáo dục - đào tạo; tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quan tâm nâng cao chất lượng y tế học đường…

Các nhà trường và cơ sở giáo dục tại Hà Nội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND thành phố về ứng phó BĐKH; lồng ghép giáo dục ứng phó BĐKH trong các môn học chính khóa; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa với các chủ đề: Học sinh, sinh viên Thủ đô tích cực chủ động ứng phó BĐKH, phòng chống thảm họa thiên tai… Thông qua hoạt động tập thể, học sinh tiếp thu kiến thức tự nhiên, hình thành kỹ năng, thói quen, phương pháp hành động và tham gia hiệu quả hoạt động ứng phó BĐKH; từng bước thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường; kỹ năng ứng phó BĐKH; tổ chức cho sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia chiến dịch mùa hè xanh tình nguyện; tổ chức cho học sinh tham gia lao động vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm vào những ngày định kỳ và những đợt mở chiến dịch…; cung cấp tài liệu về giáo dục môi trường, ứng phó BĐKH tới các cơ sở giáo dục; tổ chức Tết trồng cây; chỉ đạo các trường học đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm công tác vệ sinh môi trường...

Những hoạt động trên đã góp phần giáo dục ý thức trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên chung sức bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, phòng chống thảm họa thiên tai, xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.