(HNM) - Bên những con đường ngoại thành Sóc Sơn, Mê Linh phía bắc Thủ đô hay như Phú Xuyên, Thường Tín… phía nam của Hà Nội, có rất nhiều lò gạch tư nhân vô tư hoạt động. Chính quyền địa phương không thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trước năm 2010 mà còn để dân chạy theo lợi ích, bất chấp cả việc chung sống với
Đám tang nhức nhối làng gạch
Lò gạch ở Châu Can, nơi xảy ra tai nạn chết người năm 2008 vẫn đang hoạt động.
Ba đám ma thương tâm ở thôn Lai Sơn (Bắc Sơn, Sóc Sơn) ngoại thành Hà Nội chưa khép lại câu chuyện buồn xung quanh cái lò gạch. Sau sự kiện cả đại gia đình 3 người tử vong và 2 người phải nhập viện vì ngạt khói lò gạch, người dân nơi đây đang vô cùng hoảng sợ và lo cho tương lai cuộc sống gia đình mình… Giờ thì ba nạn nhân xấu số đã nằm yên dưới ba thước đất, gia đình và những người ở lại cũng vừa làm xong thủ tục cúng ba ngày cho trọn nghĩa vẹn tình. Nhưng hình ảnh nhức nhối của ba đám tang trong ngày tang tóc đó vẫn như một dấu ấn buồn của làng sản xuất gạch Lai Sơn. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng nghề làm gạch được ví như "cần câu cơm" của bao gia đình Lai Sơn lại là một con dao hai lưỡi. Cả thôn bàng hoàng lo sợ, không biết rằng sẽ còn ai, còn gia đình nào phải gánh chịu nỗi đau ấy nữa.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Tý (sinh 1953, chủ lò gạch), Nguyễn Văn Hợp (sinh 1986, con trai chủ lò), Vũ Văn Bình (sinh 1966, em rể chủ lò) đã thiệt mạng vì bị ngộ độc khí than. Vợ ông Tý là bà Vũ Thị Mùi chỉ bị ngất một vài tiếng, sau khi được cấp cứu đã bình phục và trở về nhà lo tang lễ cho chồng, con. Riêng anh Nguyễn Văn Trung (sinh 1983, con rể chủ lò) phải nằm cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Với "kinh nghiệm" của những chủ lò lâu năm ở Lai Sơn thì anh Nguyễn Văn Tý chỉ là dân mới vào nghề. Lò gạch anh vừa mới mở được hơn 6 tháng. Cũng vì mới sản xuất gạch, còn ít kinh nghiệm nên anh Tý đã cho xây nhà ở gần lò. Những ngày bình thường, khói lò gạch đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Buổi sáng 15-11 sương mù dày đặc khiến khói lò gạch không thoát đi đâu được cộng với sức khỏe yếu đã dẫn đến cái chết thương tâm của bố con anh Tý và cậu em rể. Sau tai nạn này, thôn Lai Sơn chiều hôm đó bỗng trở nên yên ắng lạ thường, không còn tiếng ầm ầm của những chiếc xe tải chất đầy gạch nối đuôi nhau chạy ra thị trấn, mà chỉ có tiếng kèn đám ma dai dẳng trĩu lòng. Nhưng cũng chỉ được 1-2 ngày sau, khi ba nạn nhân xấu số đã "mồ yên mả đẹp", cả thôn Lai Sơn, cả xã Bắc Sơn và nhiều nơi trên địa bàn Sóc Sơn và những vùng ngoại thành Hà Nội khác, khói lò gạch lại mịt mù quăng lên nền trời sầm sập ngày lập đông những vệt mờ nhức nhối.
Hiệu lực chính quyền ở đâu?
Trước câu hỏi của công luận về trách nhiệm của chính quyền xã dẫn đến tình trạng lò gạch xây dựng tràn lan, gây hậu quả chết người. Ông Tạ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho rằng, chính quyền đã rất cố gắng quản lý nhưng đều không ăn thua. Mỗi lần xã đi kiểm tra thì mọi hoạt động đều ngưng, khi đội kiểm tra đi khỏi thì họ làm tiếp. Theo ông Thái, từ tháng 2-2010, xã đã ra văn bản cấm không được xây dựng và đình chỉ với các hộ đang tiến hành sản xuất gạch. Bên cạnh đó, các hộ làm nghề cũng đã được hướng dẫn để từng bước phá bỏ lò gạch cũ để chuyển hướng sang gạch tuynen và gạch không nung. Kiên quyết hơn, xã ra quy định những hộ vi phạm sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Giải thích về việc còn rất nhiều hộ dân trong xã vẫn xây lò làm gạch, ông Thái nói rằng: Do họ làm chui nên ông không biết? Đến khi xây xong thì mới phát hiện ra và chỉ có thể phạt hành chính, xã không thể cưỡng chế được.
Sau hơn 8 tháng chính quyền vào cuộc, phương án chống làm gạch chui ở Lai Sơn vẫn chưa thấy bất cứ dấu hiệu tiến triển nào. Các lò gạch vẫn đang ngang nhiên hoạt động, thậm chí lò gạch gây chết người nhà anh Tý mới được xây dựng từ tháng 3 (tức là sau một tháng xã tuyên bố sẽ xử lý "mạnh tay") mà đến tháng 6 xã mới biết để phạt hành chính. Phạt xong bỏ đấy cho đến khi xảy ra tai nạn thương tâm mới giãi bày: "Đây là một việc đáng tiếc, là một sự không may mắn của gia đình. Xã đã quyết định hỗ trợ mỗi người bị nạn 500.000 đồng, hỗ trợ xe ô tô đưa thi hài anh Bình (em rể chủ lò) về quê Hải Dương" - ông Thái rụt rè nói.
Đã từ lâu những người dân thuần nông ở xã Bắc Sơn phải sống chung với khói từ các lò gạch, phản đối, làm đơn kiến nghị lên chính quyền bao nhiêu lần nhưng vẫn không thay đổi được gì. Mặc dù, với tinh thần tình làng nghĩa xóm, các chủ lò gạch cũng có bồi thường thiệt hại cho những hộ dân sống xung quanh. Nhưng mức đền bù chẳng đáng gì so với mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Người dân Bắc Sơn chỉ còn biết chờ đợi chính quyền chấm dứt hẳn hoạt động của những lò gạch thủ công, đưa cuộc sống làng quê trở về những ngày cá tôm đầy ao chuôm, sông hồ, trên đồng cò bay thẳng cánh.
Coi thường nguy hiểm
Một ngày sau tai nạn thương tâm tại Sóc Sơn, có lẽ những thông tin về 3 người thiệt mạng do đốt lò gạch chưa về đến xã Châu Can, huyện Phú Xuyên - nơi được biết đến có nghề phụ làm gạch nổi tiếng ngoại thành Hà Nội - nên khói đốt lò vẫn mù mịt bay từ cánh đồng theo gió vào từng ngõ ngách. Lò gạch nhà Đủ ở xóm Cổ Châu vẫn nhả khói vô tư như ống khói hỏa xa thời mới xây cầu Long Biên, gần đấy lò gạch của chủ tên Hải cũng chạy đua sản xuất, khói mù mịt cánh đồng ngoài đê. Thông tin về thị trường gạch ở Châu Can thì chả ai có thể giấu giếm được. Chỉ cần lê la chợ Đình xã Châu Can là có thể biết được giá gạch hiện tại là 10 (có nghĩa là 1.000 đồng/1 viên), còn số lượng mua bao nhiêu thì vô tư, cứ đặt tiền là có.
Đáng chú ý, lò gạch nhà Nguyễn Văn Đủ khu vực xóm Dâu, thôn Cổ Châu vẫn lặng lẽ nhả khói, trong khi ai cũng biết nơi đây đã xảy ra vụ tai nạn sập lò năm 2008 làm chết tại chỗ 5 người. Những thông tin về vụ việc này đã được Báo Hànộimới đăng tải thời gian đó. Người dân Châu Can vẫn chưa quên buổi chiều định mệnh ngày 7-1-2008 ấy. Sau tiếng ầm ầm như trời rung đất lở là hình ảnh tang thương 5 cỗ quan tài nằm sát nhau. Đám tang 5 nạn nhân xấu số trên 11 nạn nhân vụ sập lò được tổ chức ngay tại nơi hôm trước còn là một lò gạch lớn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của ba làng quanh xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Một rừng khăn tang nhấp nhô trong ráng chiều, dân cả xã như cùng tụ về đây trong một ngày tang thương như thế. Sở dĩ có chuyện lạ lùng như vậy là vì, cả 5 gia đình đều kiên quyết "cố thủ" chờ đợi mức đền bù về phía chủ lò gạch Nguyễn Văn Đủ, dù đã được chính quyền xã tìm mọi cách khuyên nhủ các gia đình nạn nhân mau chóng đưa người xấu số đi chôn cất.
Nhưng cũng lạ, đến giờ tang lễ cử hành (ngày hôm sau) chủ lò gạch vẫn không có mặt tại đám tang, để chính quyền xã Châu Can phải thay mặt đọc lời điếu văn. Vào thời điểm xảy ra tai nạn thương tâm trên, lò gạch của Nguyễn Văn Đủ đã hoạt động được 5 năm. Trước khi bị sập vài hôm, lò này đã có biểu hiện bị rạn nứt từng vết lớn. Cả 11 nạn nhân trong đó có 5 người xấu số đều không có hợp đồng lao động hay các khoản bảo hiểm… Qua hai năm rồi, những người phụ nữ thoát chết kỳ diệu sau tai nạn đó như chị Nguyễn Thị Trúc, chị gái của nạn nhân Nguyễn Thị Mai (30 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thêu (43 tuổi) ở thôn Tự Can… nghe đâu vẫn vất vả làm nghề đóng gạch thuê để có thêm thu nhập sinh nhai. Ở Châu Can, còn rất nhiều lao động nữ vẫn bám lò gạch kiếm sống qua ngày.
Khi nhóm PV chúng tôi tới trụ sở UBND xã Châu Can để tìm hiểu vụ việc theo giấy giới thiệu "tìm hiểu về quản lý lò gạch tại các quận, huyện". Mới gần 11h, lúc này vẫn đang giờ làm việc mà trụ sở Ủy ban xã đã cửa đóng then cài, bên trong tiếng dao, thớt, băm, chặt vang lên... Biết là "vô duyên" PV đành để xe ngay cổng chính, lặng lẽ mở cổng phụ tìm một góc sân ngồi chờ.
Tính thời gian từ lúc bắt đầu giờ Ngọ (11h trưa) đến gần 3 tiếng (gần 13h) sau mới thấy có người rời nhà ăn bước khật khừ ra sân lấy xe. Đầu tiên là nhóm các chị phụ nữ. Thấy người lạ ngồi trong sân, các chị lấy "oai chủ nhà" hỏi: Đi đâu? Về làm việc phải hẹn chứ?... Khi chúng tôi đưa giấy giới thiệu, có chị trong đám ấy thấy vậy nói "làm gì có lò gạch đâu mà nhà báo về tìm hiểu!".
Các anh CA xã "không nỡ" để nhà báo ngồi vạ vật trên sân ủy ban, khi trình giấy giới thiệu xong còn dẫn đường lên phòng Chủ tịch xã trên tầng 2 nhưng phòng làm việc vị này khóa từ ngoài dù rất nhiều người khẳng định "thấy anh ấy lên phòng một lúc rồi mà!". Anh CA xã dẫn đường cho chúng tôi quay về phòng làm việc của Phó Chủ tịch xã tầng 1. Theo phép, anh vào trước trình bày. Nhưng khi biết chuyện, vị này nói "tôi không tiếp nhà báo vì không được phân công!". Chúng tôi đề nghị được biết tên tuổi Phó Chủ tịch xã thì bị từ chối. Anh CA xã tốt bụng gọi bảo vệ mở cửa cho nhà báo về. Bác bảo vệ thật thà nói: Tên anh ấy là Trần Trung. Trung là Tê - ê - rờ chứ không phải Chung là Cờ - hát…
Chuyện lãnh đạo xã Châu Can từ chối trả lời nhà báo có lẽ không phải là chuyện hiếm. Cách đây hai năm trong tai nạn sập lò gạch ở Châu Can, khi rất nhiều phóng viên có mặt trong đám tang 5 nạn nhân xấu số xin gặp lãnh đạo xã Châu Can để được nghe ý kiến của chính quyền địa phương về vấn đề này đều bị từ chối.
Thay lời kết
Chỉ khảo sát ở một xã ngoại thành cũng đáng giật mình. Theo thống kê của UBND xã Bắc Sơn, hiện xã có 99 hộ dân làm lò gạch thủ công tự phát, mỗi hộ ít nhất có 2 vỏ lò. Đó là chưa kể 18 chủ lò từ nơi khác đến nằm trong diện có hợp đồng với xã. Các lò gạch chui ở đây đều nằm trên đất thổ cư liền kề của gia đình bất chấp quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, cấm người dân xâm phạm đến tài nguyên đất quá độ sâu 1m? Xã Bắc Sơn có tới 600ha đất vành đai an ninh quốc phòng. Diện tích này được chính lãnh đạo xã thừa nhận dân đã lấn chiếm làm nhà từ lâu và đến nay họ cũng tự ý múc đất lên làm lò. Bên những con đường ngoại thành Sóc Sơn, Mê Linh phía bắc Thủ đô hay như vùng Phú Xuyên, Thường Tín cực nam của Hà Nội có rất nhiều lò gạch vẫn vô tư hoạt động. Và những người dân nơi đây vẫn tiếp tục sống chung với "tử thần".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.