Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chung” + “riêng”: Thêm cơ hội cho thí sinh

Ngân Hạ| 26/12/2013 14:09

(HNMO)- Năm 2014, ngoài kỳ thi “3 chung” vẫn được Bộ tổ chức, sẽ còn có thêm nhiều kỳ thi riêng. Mỗi trường tối đa trong 1 năm có thể tuyển sinh 2 lần. Vì vậy, cơ hội thi nhiều hơn, xác suất đỗ của thí sinh sẽ cao hơn.

Các trường tuyển sinh chung hay riêng đều phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh


Ngày 26-12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Những điểm mới trong tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2014”. Chủ trì buổi đối thoại là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo đổi mới thi và tuyển sinh năm 2014, cuộc đối thoại nhằm thảo luận, trao đổi về những điểm mới trong công tác tổ chức tuyển sinh năm 2014, bàn thảo nhóm nội dung liên quan đến việc quy định về tự chủ tuyển sinh năm 2014 của các trường CĐ - ĐH cũng như giải đáp thắc mắc của người dân, đặc biệt là các bạn học sinh (HS) chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh 2014.

Bộ không ngại “3 riêng”

Sau hơn 10 năm tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ theo hình thức “3 chung” (chung ngày thi - chung đề thi - dùng chung kết quả để xét tuyển), ngày 12-12 vừa qua, Bộ GD-ĐT bất ngờ công bố dự thảo quy định cho các trường được tuyển sinh riêng. Lý giải về điều này, mở đầu buổi đối thoại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù “3 chung” có chất lượng, được xã hội đánh giá cao nhưng nếu tiếp tục mãi thì không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, và toàn diện của GD-ĐT. Từ năm 2011, khi kỳ thi này đang khá “hoàn hảo” và không ai đặt vấn đề thay đổi thì Bộ trưởng Phạm Vũ Luật đặt vấn đề giao một số trường ĐH trọng điểm nghiên cứu phương án thi riêng.

“Trước đây mục tiêu đào tạo của chúng ta cung cấp kiến thức cho HS thì cách thi phù hợp với cách cung cấp kiến thức đó. Nay chuyển sang hướng dẫn HS phát huy năng lưc, phẩm chất do đó cách tuyển sinh phải đổi mới, thay vì kiểm tra kiến thức thuộc lòng, định hướng cho cách dạy và học trong các trường PT, CĐ, ĐH.

Trong xu thế trao quyền tự chủ cho nhà trường, việc Bộ giao quyền tự tuyển sinh là phù hợp với xu thế đổi mới của GD ĐH và các quy định hiện hành” - Thứ trưởng đưa ra thêm các lý do.

Cách tuyển sinh khác trước cơ bản về cách ra đề thi, phương thức thi, cách đánh giá, xét tuyển. Các trường sẽ không kiểm tra kiến thức mà kiểm tra năng lực của HS phù hợp với các ngành nghề đào tạo của mình. Do đó, các trường sẽ nghĩ ra các phương án khác nhau. Hiện nay Bộ đang để mở cho các trường tự suy nghĩ chứ không phải lặp lại cách tuyển sinh riêng của các trường như trong quá khứ. Do đó, sẽ không ngại sẽ lặp lại những bất cập như trong quá khứ…

Cũng theo Thứ trưởng, đổi mới tuyển sinh phải có lộ trình để thí sinh quen với cách thi mới, cách học mới và các trường có thời gian chuẩn bị. Do hệ thống giáo dục ĐH ở nước ta rất đa dạng, nếu ngay lập tức dừng “3 chung” và chuyển hết sang 3 riêng thì xã hội sẽ xáo trộn nặng nề, gây sốc cho học sinh và phụ huynh. Trong dự thảo Bộ đề ra, các trường sẽ có thời gian 3 năm để tự chủ thi riêng. Trong thời gian này, với các trường chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng, Bộ sẽ hỗ trợ bằng cách vẫn tổ chức kỳ thi "3 chung”.

Trước lo ngại các HS sẽ học lệch trước cách thi mới, Thứ trưởng tin rằng cách thi riêng sẽ đòi hỏi HS phải có kiến thức tổng hợp về cả tự nhiên và xã hội, có tư duy xử lý những vấn đề thực tiễn.

“Lý do các trường ngoài công lập (NLC) muốn thi riêng là được chủ động nguồn tuyển, nhưng trong dự thảo Bộ không cho phép các trường thi riêng được xét từ thí sinh thi chung. Điều này sẽ khiến các trường thi riêng càng lâm vào cảnh khó khăn không lối thoát nhiều năm qua?” Trả lời câu hỏi của độc giả, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định không thể đồng ý cho cùng một lúc sử dụng kết quả thi riêng và thi chung để xét tuyển vì đây là 2 thang đánh giá, 2 chuẩn đánh giá khác nhau. Nếu sử dụng đồng thời cả hai kết quả sẽ không bảo đảm công bằng cho thí sinh.

“Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh không phải để các trường điền đầy được chỉ tiêu mà mục đích là để tìm ra phương án tuyển sinh tốt hơn, phù hợp hơn ngành đào tạo của mình” - ông Nghĩa nói.

Cũng theo Thứ trưởng, mục đích thi riêng để thí sinh có thể khẳng định được năng lực của mình và các trường tuyển được đúng thí sinh đáp ứng yêu cầu ngành nghề đào tạo, điều mà “3 chung” đã không làm được vì hệ thống ngành nghề này quá đa dạng.

Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GDĐH bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với sự băn khoăn, lo lắng của học sinh HS lớp 12 và các bậc phụ huynh trước sự thay đổi về cách thức tuyển sinh. Tuy nhiên, ông khẳng định, nội dung, hình thức thi vẫn dựa hoàn toàn vào chương trình lớp 12 và các ngành nghề đào tạo của các nhà trường. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh không phụ thuộc vào tuyển sinh chung hay riêng mà vào năng lực đào tạo của nhà trường và trên cơ sở các tiêu chí bảo đảm chất lượng.

Ngày 10-2 tới sẽ là “hạn chót” để các trường nộp đề án tuyển sinh về Bộ. Sau đó, đến ngày 10-3, Bộ chính thức công bố công khai để thí sinh nắm rõ.

Ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD khẳng định cơ hội cho các thí sinh năm 2014 sẽ lớn hơn 2013. Bởi ngoài việc Bộ vẫn duy trì kỳ thi “3 chung”, sẽ còn có thêm nhiều kỳ thi riêng. Theo quy định trong dự thảo, mỗi trường tối đa trong 1 năm có thể tuyển sinh 2 lần. Vì vậy, cơ hội thi nhiều hơn, xác suất đỗ của thí sinh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng có lời khuyên thí sinh phải nắm vững thông tin tuyển sinh của từng trường, nắm vững kiến thức, đặc biệt là với ngành nghề đào tạo của các trường.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga tin tưởng học thêm, dạy thêm sẽ không còn ý nghĩa với phương thức tuyển sinh mới


Cuộc cạnh tranh lành mạnh

Trước ý kiến cho rằng các trường tuyển khó không phải do cách thi chung hay riêng mà bởi không còn nguồn tuyển; thi riêng vất vả tốn kém, lại không được dùng kết quả thi cung để xét tuyển nên sẽ có rất ít trường thực hiện, thứ trưởng thi riêng sẽ đánh giá được năng lực của thi sinh. Khi tuyển sinh riêng, các em dưới sàn vẫn có thể trúng tuyển vì năng lực của em phù hợp với ngành nghề nào đó. Điều quan trọng nhất, để tuyển được thí sinh, các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh để các trường nâng cao chất lượng bằng chiến lược tuyển sinh, đào tạo. Sắp tới Bộ sẽ ban hành quy định xếp hạng các trường ĐH, CĐ.

“Thi riêng là để cứu các trường NCL?” -Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng cho rằng thi riêng sẽ giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo chứ không phải để cứu các trường khó tuyển sinh để lấp đầy chỉ tiêu. Chính qua tuyển sinh riêng sẽ giúp các trường khó tuyển sinh cải thiện hình ảnh và cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, việc thay đổi thi sẽ làm thay đổi nhiều các vấn đề như hạn chế dạy thêm, học thêm. Các trường phải nghĩ ra phương thức tuyển sinh để học thêm, dạy thêm không còn ý nghĩa. Trong dự thảo quy chế tuyển sinh riêng, các trường phải cam kết không để học thêm, dạy thêm, luyện thi gây nhức nhối như trong quá khứ.

Từ “bài học cay đắng” rút ra từ các hệ đào tạo tại chức, liên thông, không chính quy là không khống chế chất lượng đào tạo khi các trường tuyển sinh đầu vào, dẫn đến chất lượng kém xã hội quay lưng, theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ đã rút kinh nghiệm khi đưa vào đề án tuyển sinh riêng là các trường phải có ngưỡng chất lượng tối thiểu để các trường lấy thí sinh từ thấp đến cao nhưng đến một ngưỡng nhất định chứ không phải để lấp đầy chỉ tiêu. Ngưỡng tối thiểu gồm các điều kiện như “3 chung” có điểm sàn. Do  hiện nay các trường chưa có phương án thi riêng nên Bộ chưa thể nói ngưỡng đó như thế nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chung” + “riêng”: Thêm cơ hội cho thí sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.