(HNMO) – Dù chứng khoán có dấu hiệu tăng, nhưng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng bởi nguy cơ rủi ro tại thời điểm hiện tại lớn hơn lợi nhuận có thể thu được.
Tuần giao dịch từ ngày 18 đến 22/3, VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đầu và cuối tuần. Tính cả tuần, chỉ số này tăng 8,64 điểm, đóng cửa tuần ở mức 489,99 điểm.
Thanh khoản bình quân đạt 49,7 triệu đơn vị, giảm 13,79% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân 967,10 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với tuần trước.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến kém lạc quan hơn. Chỉ số này giảm 4 phiên và chỉ có 1 phiên tăng. Tính cả tuần, HNX-Index giảm 1,13 điểm và chốt tại 60,93 điểm.
Khối lượng giao dịch bình quân đạt 36,19 triệu đơn vị/phiên, giảm 31,28%. Giá trị giao dịch bình quân 286,85 tỷ đồng/phiên, giảm 33,27% so với tuần trước.
Diễn biến thị trường những phiên đầu tuần chứng kiến sự thận trọng của nhà đầu tư. Sau hoạt động tái cơ cấu của các quĩ ETF qua đi, nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn khi VN-Index tiến vào vùng kháng cự 480 – 490 điểm. Kéo theo đó là thanh khoản sụt giảm mạnh.
Dù vậy, sức chống đỡ của một số blue-chips đã kéo lại thị trường đi lên. Điển hình như VNM và MSN tăng mạnh do kết quả kinh doanh tăng trưởng. Bên cạnh đó, một số mã thuộc Large-Cap cũng bật tăng bất ngờ như: IMP, TRA, DHG…
Một thông tin ngoài lề hỗ trợ thị trường chính là việc CPI của hai thành phố lớn đều giảm. Ở Hà Nội là -0,29% và TP HCM là 0,21%. Thông tin này chỉ giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư, chứ chưa thể tạo được hưng phấn như việc các quĩ ETF cải tổ tuần trước.
Về phía khối ngoại, sau khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của ETF kết thúc, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng ổn định trở lại. Họ gom mạnh ở HPG (28 tỷ đồng), MSN (24 tỷ đồng), GAS (23 tỷ đồng), KBC (15 tỷ đồng). Đây đều là những mã vốn hóa lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà tăng của VN-Index trong nhiều phiên.
Chốt tuần, khối ngoại mua ròng 194 tỉ đồng trên HOSE và bán ròng 42 tỉ đồng trên HNX.
Trong tuần, số ngành tăng điểm chiếm ưu thế với 14/24 ngành tăng. Ấn tượng nhất là Dược phẩm với mức tăng trưởng trên 10%. Thực phẩm và đồ uống tăng hơn 5%. Ở chiều ngược lại, các ngành “nóng” như Khai khoáng, Bất động sản, Chứng khoán, Ngân hàng đều giảm điểm.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng đà tăng của VN-Index là do sự nâng đỡ của một số Large Cap, chứ không phản ánh giao dịch thực trên đại đa số các cổ phiếu. Nên không thể nhìn vào sức tăng trong tuần vừa rồi để lạc quan. Trên thực tế, rủi ro ở hai sàn vẫn rất lớn. Nhà đầu tư nên thận trọng, giảm tỉ trọng cổ phiếu để quan sát những diễn biến tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.