Giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch, song về gần cuối phiên, sức cầu cải thiện giúp chỉ số VN-Index đảo chiều, tăng gần 3 điểm.
Phiên giao dịch ngày 23-8, trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, buổi sáng, sau khi mở cửa, lực bán chiếm ưu thế khiến chỉ số VN-Index hiện sắc đỏ. Sau đó, thị trường tăng trở lại, đạt mức tăng cao nhất là hơn 3 điểm, lên trên 1.285 điểm. Tuy nhiên, ít phút sau, lực bán mạnh hơn khiến chỉ số đại diện sàn lần nữa xuống mức tham chiếu và giảm điểm. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index hạ 5 điểm, về mức 1.277,78 điểm.
Sang phiên chiều, lúc đầu thị trường duy trì giảm điểm, rồi sức cầu cải thiện giúp chỉ số giảm chậm lại. Đáng chú ý, từ gần 14h30, lực cầu khá tốt, đặc biệt là tại một số cổ phiếu lớn đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,54 điểm (0,2%), lên mức 1.285,32 điểm; VN30-Index dừng ở mức 1.321,15 điểm sau khi “đội” 2,58 điểm (0,2%).
Thị trường ở tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi chỉ số tăng nhưng cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 212 mã đi xuống, 172 mã đi lên. Tại nhóm VN30, số mã tăng - giảm lần lượt là 13 mã và 8 mã.
Nhóm ngành tăng và giảm điểm khá ngang bằng, có điểm chung là mức tăng - giảm không quá mạnh. Tại nhóm đi lên, dịch vụ tiêu dùng, bảo hiểm, phần cứng là những ngành tăng trên 1%. Ở chiều ngược lại, viễn thông, xe và linh kiện giảm trên 1%.
GVR, HPG, CTG, VNM, BVH, BID, MBB, SSI, NVL, HCM là những mã có tác động tích cực nhất đến sự đi lên của thị trường, trong đó GVR đóng góp nhiều nhất với gần 0,65 điểm. Trong khi đó, FPT, LPB, VRE, HVN… lấy đi nhiều điểm số từ chỉ số VN-Index.
Thanh khoản cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp với gần 17.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua gần 1.543 tỷ đồng và bán hơn 1.622 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, đóng cửa phiên, HNX30-Index dừng tại mức 531,52 điểm, tăng 4,41 điểm (0,84%); HNX-Index tăng 1,6 điểm (0,67%), lên 240,07 điểm. Toàn sàn có hơn 1.300 tỷ đồng được sang tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.