Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán sẽ 'vùng dậy' sau Tết

Theo ĐTCK/VietNamNet| 17/02/2010 10:00

Xuất hiện cơ hội đầu tư mới, khối lượng giao dịch sẽ tăng sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông sàn, nguồn tiền quay lại thị trường... những yếu tố hỗ trợ này, theo ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát, sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) "vùng dậy" sau Tết.

NĐT muốn biết cơ hội đầu tư mới sau Tết Nguyên đán mà ông đề cập là gì?

- Trong 2 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thường khiêm tốn do yếu tố kinh doanh mùa vụ chi phối khá nhiều DN có lĩnh vực kinh doanh không phục vụ nhiều cho thị trường Tết.

Với những DN này, cả trước và sau Tết đều khó hoặc chỉ có thể triển khai kế hoạch kinh doanh cầm chừng. Điều này, có nghĩa là doanh thu và lợi nhuận của nhiều DN sẽ không được "đẹp", thậm chí có DN bị lỗ vào sau Tết, nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ, chứ không phải do năng lực của DN giảm sút.

Bởi vậy, nếu NĐT không nắm chắc "sức khoẻ" của DN, sẽ dễ đánh giá không sát giá cổ phiếu, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Để không bị yếu tố mùa vụ "che mắt" tiềm năng tăng trưởng của DN, ngay từ bây giờ, NĐT hãy tìm hiểu kỹ thông tin về DN mà mình dự kiến đầu tư, để có cái nhìn thấu đáo về giá trị cốt lõi, cũng như những lợi thế sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững của DN, từ đó, khi xuất hiện cơ hội đầu tư mới có thể nhanh chân sở hữu được danh mục tốt.

Nếu NĐT nhận diện được cơ hội đầu tư và quyết định giải ngân như ông phân tích, cơ hội để TTCK tăng tính thanh khoản sau Tết là không nhỏ?

- Tôi nghĩ vậy. Ngoài yếu tố này, còn có một số nhân tố sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của TTCK sau Tết. Đó là, sự kiện HNX thông sàn sẽ giúp khối lượng giao dịch tăng, bởi thời gian nhập lệnh vào hệ thống giảm đáng kể so với trước đây.

Hơn nữa, với quy luật lượng tiền nhàn rỗi vào sau Tết khá nhiều, nên có thể, sẽ tạo ra yếu tố đột biến về dòng tiền trên TTCK. Mặt khác, diễn biến của TTCK gần đây cho thấy ngày càng phản ứng bám sát hơn tình hình kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, tuy nền kinh tế cả trong nước và thế giới vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, nhưng các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều khẳng định, giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đã đi qua và đây là cơ sở để tin rằng, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục khả quan.

Thêm vào đó, mùa ĐHCĐ đang cận kề, với những thông tin về kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới được công bố cũng sẽ là thông tin hỗ trợ tích cực cho TTCK. Với những yếu tố như vậy, khả năng, thị trường có một đợt sóng mới sau Tết là khá cao, tuy nhiên, sẽ không tăng mạnh. Trong năm 2010, sẽ không quá khó để VN-Index đạt 650 điểm.

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy hiện khá thấp, ông có cho rằng, đây cũng là một nhân tố hỗ trợ cho "con sóng" của TTCK sau Tết?

- Đúng là hiện tại, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính trên TTCK không lớn, đa số NĐT tham gia thị trường bằng vốn tự có. Sở dĩ như vậy là bởi vài tháng qua, thị trường phần lớn đi ngang, nên ít có "đất" cho NĐT sử dụng công cụ này.

Tuy nhiên, khi triển vọng kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn, cũng như sau một thời gian tích luỹ khá dài, nhiều khả năng dòng tiền vào TTCK sẽ được tiếp sức bởi đòn bẩy tài chính. Thị trường đang ở trạng thái người bán không vội, người mua lại càng không vội, nên nội lực của thị trường đang khá tốt.

Điều này hứa hẹn khi xuất hiện yếu tố hỗ trợ tích cực sẽ là động lực cho TTCK định hình một xu hướng tăng mới.

Tâm lý NĐT đang bị đè nặng bởi lo lắng lạm phát cao có thể quay trở lại. Điều này có là lực cản cho sự đi lên của TTCK, thưa ông?

- Mỗi NĐT đều có cái lý riêng của họ, nhưng tôi nghĩ lạm phát thời gian tới không quá đáng lo. Đúng là có một số yếu tố khiến nguy cơ lạm phát tái xuất hiện, nhưng tình hình đang được chủ động kiểm soát.

Năm 2010, Chính phủ đã thể hiện rất rõ quyết tâm tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, tập trung kiểm soát lạm phát, để đảm bảo cho nền kinh tế có mức tăng trưởng hợp lý, bền vững.

Hơn nữa, rổ hàng hoá phục vụ cho cách tính chỉ số giá tiêu dùng vừa được điều chỉnh. Theo đó, tổng số mặt hàng đại diện trong rổ hàng hoá là 572 mặt hàng, tăng 78 mặt hàng so với rổ trước đây.

Cách tính này, phản ánh sát hơn diễn biến giá cả hàng hoá trên thị trường, chứ không quá phụ thuộc vào biến động giá lương thực, thực phẩm như trước. Điều này, sẽ giúp NĐT có tâm lý ổn định hơn, bởi không quá lo chỉ số giá tiêu dùng "thoát ly" mặt bằng giá thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán sẽ 'vùng dậy' sau Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.