Thị trường

Chứng khoán Mỹ đi ngược lại xu hướng đầu tuần “ảm đạm” trên toàn cầu

Theo BNews 08/08/2023 - 09:14

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 407,51 điểm, tương đương 1,16%, lên 35.473,13 điểm, ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ 15-6.

Kết thúc phiên giao dịch 7-8, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, lấy lại một số điểm đã mất vào tuần trước, khi các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát dự kiến sẽ được công bố ngày 10-8, với nhiều dấu hiệu tích cực.

Chốt phiên trên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 407,51 điểm, tương đương 1,16%, lên 35.473,13 điểm, ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 15-6. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 40,41 điểm, tương đương 0,9%, ở mức 4.518,44 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 85,16 điểm, tương đương 0,61%, lên 13.994,40 điểm.

Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán hầu hết đều chứng kiến một phiên giảm điểm, bị ảnh hưởng bởi Phố Wall đi xuống trong tuần trước, do các nhà đầu tư thực hiện chốt lời, sau khi cổ phiến đã tăng liên tục trong nhiều ngày.

Chỉ số FTSE trên thị trường chứng khoán London (Anh), vào thời điểm đóng cửa, giảm 0,5%, xuống còn 7.526,42 điểm. Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,3%, xuống 15.909,75 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,2%, xuống 7.298,28 điểm.

Trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã phục hồi 0,2%, lên 32.254,56 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,2%, xuống 7.309,20 điểm.

Tại Trung Quốc, trong khi chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong gần như không đổi, giữ mức 19.537,92, thì chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,6%, xuống 3.268,83 điểm.

Ngày 10-8, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2023, đem lại manh mối rõ ràng hơn về đường lối chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu việc làm phát hành ngày 4-8 cho biết, việc tuyển dụng tháng trước yếu hơn một chút so với dự đoán của các nhà kinh tế học, làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams đã đưa ra dự đoán lãi suất có thể bắt đầu giảm vào đầu năm 2024 và thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết, lãi suất có thể sẽ cần tăng thêm, để đảm bảo giảm lạm phát xuống ngưỡng mục tiêu 2%.

Trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, các nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt doanh nghiệp lớn công bố báo cáo thu nhập quý II-2023, bao gồm một số cái tên đáng chú ý, như Disney của Mỹ, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và Sony cùng với SoftBank của Nhật Bản. Trước đó, các cổ phiếu của nhóm công ty “Big Tech” hầu hết đã công bố báo cáo thu nhập, với mức lợi nhuận khả quan, thúc đẩy Phố Wall đi lên.

Sản lượng công nghiệp của Đức sụt giảm trong tháng 6-2023. Bộ Kinh tế nước này cảnh báo tình hình không nhiều sáng sủa, khi giá năng lượng tăng trở lại và lãi suất cao tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Chuyên gia Joshua Mahony, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại công ty thương mại Scope Markets cho biết, các dữ liệu kinh tế vừa phát hành tại châu Âu đã kìm hãm triển vọng tăng trưởng khu vực. Bên cạnh đó, tâm lý của thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi con số giao dịch nhà ở yếu tại Anh.

Nhà cung cấp các khoản vay thế chấp lớn nhất Anh, Halifax, cho biết, trong tháng 7-2023, giá bất động sản ở Anh đã giảm 0,3% so với tháng 6-2023, khi các chủ nhà phải “vật lộn” với lãi suất tăng cao.

Tại Việt Nam, khép phiên 7-8, chỉ số VN-Index tăng 15,44 điểm (1,26%), lên 1.241,42 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 3,27 điểm (1,35%), lên 245,68 điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán Mỹ đi ngược lại xu hướng đầu tuần “ảm đạm” trên toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.