(HNMO) - Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, Vn-Index nối chuỗi ngày giảm điểm lên con số 4 khi mất thêm gần 2 điểm, HNX-Index đảo chiều hạ 0,8 điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi xuống.
Nhà đầu tư thế giới lại hoảng loạn bởi lo ngại nợ công tại châu Âu còn diễn biến phức tạp khiến thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu “đỏ sàn” vào đêm qua. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 519,83 điểm (-4,62%), còn 10.719,94 điểm; chỉ số Nasdaq mất 101,47 điểm (-4,09%), xuống 2.381,05 điểm; chỉ số S&P 500 trượt 51,77 điểm (-4,42%) xuống 1.120,76 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,05%; chỉ số CAC 40 của Pháp mất tới 5,45%; chỉ số DAX của Đức trượt 5,49%.
Thông tin không tốt từ thị trường thế giới đã ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước ở phiên này. Ngay ở đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, họ đã mạnh tay bán ra, Vn-Index giảm 4,99 điểm, tương đương 1,29%, xuống mức 380,97 điểm. Khối lượng giao dịch thấp với chỉ gần 720.000 đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt xấp xỉ 13 tỷ đồng. Lệnh bán tiếp tục được nhà đầu tư ưu tiên hơn ở hai đợt tiếp theo nhưng có phần đỡ mạnh tay hơn. Cuối đợt khớp lệnh liên tục chỉ số chung hạ 3,26 điểm (-0,84%) còn 382,7 điểm. Đóng cửa, thị trường đánh dấu phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp khi mất thêm 1,52 điểm (-0,39%), xuống mức 384,44 điểm.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet |
Cổ phiếu giảm giá tiếp tục chiếm áp đảo với 154 mã đi xuống, 69 mã đi lên, 58 mã giữ giá tham chiếu. Đáng chú ý, hầu hết các mã lớn giảm giá nhưng biên độ giảm khá hẹp: BVH, CTG, DHG, DPM, DXG, GMD, HAG, HPG ITA, KBC, OGC, SAM, STB, SSI, PVF, SJS giảm 100-500 đồng mỗi cổ phiếu. Trong khi đó, chỉ FPT, VCB, KDC tăng điểm với mức tăng 200-1.500 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản giảm tiếp so với phiên trước. Toàn thị trường chỉ có gần 20,3 triệu chứng khoán được giao dịch thành công, giá trị chuyển nhượng 397,919 tỷ đồng. Như vậy, với tình hình không mấy sáng của như hiện nay, nhà đầu tư tiếp tục thờ ơ với thị trường. Điều đáng lo ngại trong thời điểm này không phải là giá chứng khoán xuống quá thấp mà là tính thanh khoản. Trong những phiên vừa qua, thanh khoản của thị trường luôn ở mức thấp. Nếu thanh khoản được cải thiện, nhà đầu tư tham gia thị trường sẽ nhiều hơn.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index quay đầu giảm nhẹ 0,8 điểm (-1,2%), còn 65,82 điểm. Khối lượng giao dịch giảm so với phiên trước, đạt gần 21 triệu đơn vị, giá trị là trên 202,900 tỷ đồng.
Cùng chiều với hai sàn chính thức, đóng cửa phiên buổi sáng UPCoM-Index dừng ở mức 31,4 điểm hạ 0,12 điểm (-0,38%). Giao dịch vẫn èo uột với 101.290 cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị đạt 948,200 triệu đồng.
Như vậy, trong 3 phiên trở lại đây biến động của các chỉ số tại thị trường chứng khoán trong nước có mối tương quan nhất định với biến động trên thị trường tài chính, chứng khoán thế giới mà ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến từ các chỉ số tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo FPTS, việc dự đoán biến động các chỉ số theo phiên là rất khó bởi phụ thuộc nhiều vào biến động từ bên ngoài. Chừng nào chỉ số chứng khoán Mỹ ổn định hơn (biến động dưới 3%) thì biến động các chỉ số Vn-Index và HNX-Index mới phụ thuộc vào các yếu tố trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.