Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng công chức

Nhóm phóng viên| 26/06/2021 06:33

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV (ngày 11-6-2021) quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, từ ngày 1-8-2021, sẽ chính thức bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính, văn thư. Dư luận cho rằng, điều này sẽ góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới

Qua thực tế, có thể thấy quy định công chức chuyên ngành hành chính, văn thư phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp. Do đó, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV là kịp thời và cần thiết. Việc tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, theo tôi sẽ hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới.

Trưởng phòng Nội vụ quận Tây Hồ Đỗ Thanh Tùng:
Tránh được tiêu cực trong đào tạo, cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức

Việc bỏ một số chứng chỉ không cần thiết sẽ giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, tránh được tiêu cực trong đào tạo, cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức. Tôi cho rằng, việc Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV là hợp lý, bởi đối với người đã tốt nghiệp, bằng cấp chuyên môn đã bảo đảm chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi đó, đối với ngạch chuyên viên chính, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ khắc phục được hạn chế trùng lặp nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ Vương Tá Hùng:
Thể hiện sự đổi mới trong cải cách hành chính

Quy định bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thời gian qua gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc... cho công chức, viên chức. Yêu cầu này dẫn đến nhiều nội dung học bị trùng lặp, buộc học viên phải học đi, học lại một nội dung ở nhiều hạng chứng chỉ khác nhau. Thực tế, có nhiều chứng chỉ nhưng không mang lại hiệu quả thiết thực cho người học, không phục vụ công việc chuyên môn. Do vậy, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thể hiện sự đổi mới trong cải cách hành chính. So với quy định hiện hành, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, hai loại công chức này vẫn phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu vị trí việc làm.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến:
Tiết kiệm được thời gian, kinh phí của công chức

Theo tôi, bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ giảm áp lực cho công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Mặt khác, việc bỏ bớt chứng chỉ sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Bởi nếu đòi hỏi chứng chỉ thì cán bộ, công chức phải bỏ thời gian, kinh phí để đi học trong khi công việc ở cơ quan, đơn vị rất nhiều. Thực tế cho thấy, từ ngày 20-3-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên, bởi trong quá trình đào tạo giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau. Do vậy, việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là không cần thiết. Khi được "cởi trói" áp lực về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giáo viên đã có thêm nhiều thời gian để tập trung cho chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, công chức Văn phòng UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa:
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là chủ trương đúng

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là chủ trương đúng, công chức chúng tôi rất mừng. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là không cần đến ngoại ngữ, tin học trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Công cuộc đổi mới với xu thế hội nhập và sự phát triển mạnh của công nghệ hiện nay, công chức vẫn phải luôn nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Được biết, trước đó Bộ Nội vụ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Tuy không yêu cầu nộp chứng chỉ nhưng trong quá trình tổ chức thi hoặc sử dụng công chức, viên chức cần tổ chức thi hoặc sát hạch để bảo đảm công bằng và trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc của vị trí việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng công chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.