(HNM) - Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cho biết về tiến độ xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận đang quan tâm hiện nay.
- Thưa ông, hiện nay tiến độ xử lý 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra tại Công ty Vận tải biển (Vinalines), một số đơn vị thuộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Công ty dệt kim Phương Đông, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam... như thế nào?
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí. Ảnh: VNN |
- Cơ quan tố tụng đã kết luận điều tra 6 vụ việc, hoàn tất cáo trạng và ủy quyền công tố cho các cơ quan thi hành tố tụng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, sẽ xét xử vụ tiêu cực tại Vinalines, vụ nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng giúp anh trai là cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng bỏ trốn; vụ Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng cổ phần ACB kinh doanh trái phép. Còn TP Hồ Chí Minh sẽ xét xử vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng NN-PTNT; vụ tham ô tại Công ty Vifon. Còn vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công ty, ngân hàng và cá nhân cũng đã hoàn tất cáo trạng. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở trong quý IV-2013.
- Với những vụ việc phức tạp, lộ trình xét xử sẽ như thế nào, liệu có đạt mục tiêu xử lý dứt điểm trong năm nay không, thưa ông?
- Khả năng phải sang năm 2014. Những vụ việc này ngoài sự phức tạp, yêu cầu chứng minh tội phạm là người giữ chức vụ quyền hạn, còn có cả yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, việc đáp ứng các yêu cầu về tương trợ tư pháp của một số nước đối với chúng ta còn có mức độ.
- Như vậy, có thể hiểu vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử?
- Tôi biết dư luận vừa mong muốn điều tra chính xác, vừa phải triệt để, lại phải nhanh, khẩn trương. Tinh thần chung là các cơ quan chức năng sẽ cố gắng tập trung nhân vật lực để điều tra bản chất sự việc, khẩn trương chuyển hồ sơ cho tòa án, đáp ứng yêu cầu của QH và công luận.
- Trong nhiều vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản chỉ khoảng 10%, sắp tới tình trạng này có được cải thiện không, thưa ông?
- Thực ra đối với các vụ án kinh tế và tham nhũng, khả năng thu hồi tài chính chưa khi nào đạt 100%, kể cả sau này cũng thế. Đây là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Trong tương lai, theo tôi, cần sửa đổi Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự để tăng thêm khả năng truy thu tài sản. Hiện chỉ những tài sản được chứng minh là bất hợp pháp, từ con đường phạm tội mà có thì cơ quan chức năng mới được thu hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.