Giáo dục

Chuẩn bị vào năm học mới: Tạo điều kiện học tập tốt nhất

Thống Nhất 21/08/2024 - 06:28

Hai tuần nữa, cùng với học sinh cả nước, gần 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn Thủ đô sẽ bước vào năm học 2024-2025.

Với số lượng học sinh đầu cấp tiếp tục tăng, việc giải quyết bài toán cơ sở vật chất vẫn là ưu tiên cao nhất với các cấp chính quyền và ngành Giáo dục Hà Nội, nhằm có điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.

truong.jpg
Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) vừa được xây mới đưa vào sử dụng để đáp ứng số lượng học sinh gia tăng trên địa bàn. Ảnh: Quang Thái

Không để học sinh thiếu chỗ học

Năm học 2024-2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với gần 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Là địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học mạnh, thành phố luôn đối diện với thách thức gia tăng quy mô học sinh. Vài năm gần đây, số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000 đến 60.000 em, đòi hỏi chính quyền các cấp cũng như ngành Giáo dục phải kịp thời có giải pháp đáp ứng.

Bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn thành phố là mục tiêu được Hà Nội kiên trì triển khai nhiều năm nay. Mục tiêu là không để học sinh nào thiệt thòi trong việc tiếp cận giáo dục. Ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung các đơn nguyên phòng học, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư, để chuẩn bị cho năm học 2024-2025.

Trước năm học mới, quận Hoàng Mai sắp có thêm 4 ngôi trường mới. Trong đó riêng tại phường Hoàng Liệt - địa bàn có mật cư dân cư cao nhất quận, có thêm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học phổ thông. Thông tin này khiến người dân trên địa bàn phường vui mừng khôn xiết. Bà Nguyễn Thị Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Hoàng Liệt chia sẻ: "Trên địa bàn có nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục, song mức học phí cao, trong khi hầu hết cư dân đều là lao động trẻ, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện trang trải. Vì thế, được vào trường công lập vẫn là nguyện vọng của nhiều người”.

truong1.jpg
Học sinh vui chơi tại Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Từng bước giảm sĩ số học sinh/lớp

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên việc đổi mới giáo dục phổ thông (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) được thực hiện đồng loạt ở tất cả các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), thay cho Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Việc đổi mới phương pháp giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đặt ra những yêu cầu mới về cơ sở vật chất. Từng bước giảm sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học - cấp học nền tảng cho các cấp học tiếp theo, đáp ứng quy định tại điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đồng thời bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia là mục tiêu, cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục Thủ đô đang nỗ lực hướng tới.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh quy mô học sinh hằng năm tăng, bên cạnh việc xây dựng thêm trường học và các đơn nguyên, nâng tầng trường học, quận Thanh Xuân cũng chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giảm sĩ số học sinh/lớp theo lộ trình từng năm để đáp ứng điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định là 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học. Trước mắt, việc bảo đảm đáp ứng chỗ học cho học sinh cư trú trên địa bàn vẫn là ưu tiên số 1.

"Năm học 2024-2025, số học sinh vào lớp 1 tại các trường thuộc quận giảm 600 em, góp phần giảm áp lực về sĩ số học sinh/lớp đối với các trường tiểu học", bà Lê Thị Thu Hằng thông tin.

Khai thác lợi thế là huyện có quỹ đất rộng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng thông tin, đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh, huyện luôn ưu tiên ngân sách để triển khai các giải pháp như xây dựng, cải tạo, sáp nhập hoặc chia tách các trường, hướng tới tất cả các trường đều đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia, trong đó có tiêu chí về sĩ số học sinh/lớp (tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp). Đón năm học mới, 54/55 trường học trên địa bàn huyện đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội không thiếu chỗ học. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư, nên sĩ số có nơi lên đến 45-50 học sinh/lớp. Còn sĩ số trung bình toàn thành phố ở cấp tiểu học là 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp đáp ứng quy định của điều lệ trường học là mục tiêu, cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được chăm sóc, học tập tốt nhất.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập

ykien-tran-the-cuong.jpg

Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, các đơn vị, trường học đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng, không để xảy ra hiện tượng thiếu chỗ học. Toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học. Một số bất cập của kỳ tuyển sinh năm học trước đã được khắc phục, không còn hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Sở đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp; ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập; đồng thời, đề nghị, hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu, tham mưu việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng:
Tạo cơ chế thuận lợi cho trường ngoài công lập

ykien-pham-thi-le-hang.jpg

Quận Hà Đông hiện có 139 trường, hơn 118.000 học sinh. Với quyết tâm giảm sĩ số học sinh/lớp học, 2 năm qua, UBND quận đã giao các phường chủ động đi tìm quỹ đất cho giáo dục, đồng thời triển khai nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mở trường ngoài công lập. Đến nay, trên địa bàn có 42 trường ngoài công lập và gần 280 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, thu hút 20% trong tổng số học sinh toàn quận theo học, góp phần giảm áp lực cho các trường.

UBND quận đã đầu tư xây dựng trên 85% quỹ đất trong tổng số quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn. Chuẩn bị đón năm học mới, quận Hà Đông có thêm 1 trường trung học cơ sở ở phường Hà Cầu và thêm 7 đơn nguyên tại các trường học ở những phường đông dân cư như Dương Nội, Biên Giang, Kiến Hưng. UBND quận cũng đang triển khai các giải pháp tìm kiếm thêm các quỹ đất ngoài quy hoạch để xây dựng trường học, ưu tiên chuyển đổi đất cho giáo dục.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh:
Nâng cấp cơ sở vật chất để đổi mới giáo dục

ykien-phung-ngoc-oanh.jpg

Huyện Ba Vì hiện có 114 trường mầm non, phổ thông với hơn 64.000 học sinh. Do địa bàn rộng, nhiều xã miền núi còn khó khăn, nguồn thu ngân sách chung của huyện còn thấp, việc xã hội hóa đầu tư cho giáo dục hạn chế, huyện Ba Vì tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, bảo đảm an toàn trường học và tập trung mua sắm trang thiết bị để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong năm 2024, toàn huyện có tổng cộng 26 dự án đang triển khai xây dựng và chuẩn bị khởi công, với kinh phí hơn 680 tỷ đồng. Chuẩn bị đón năm học mới, huyện đang triển khai cải tạo, sửa chữa khẩn cấp 5 dự án trường học; thực hiện sửa chữa chống xuống cấp 5 dự án trường học. Đáng chú ý, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Trung học cơ sở Tản Đà tại địa điểm mới rộng rãi hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị vào năm học mới: Tạo điều kiện học tập tốt nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.