Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo chương trình mới. Hà Nội quyết tâm chuẩn bị thật tốt kỳ thi này.
Chiều 14-8, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 cấp THPT.
Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 237 trường THPT, với tổng số gần 303.000 học sinh, hơn 17.000 giáo viên. So với cùng kỳ năm học trước, cấp THPT của thành phố tăng 5 trường, với gần 27.300 học sinh. Đây là năm thứ hai cấp THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai. Tính đến hết tháng 5-2024, hơn 70% nguồn vốn dành cho mua sắm trang thiết bị dạy học đã được giải ngân.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 lên vị trí thứ 11). Hà Nội là địa phương có số bài thi điểm 10 nhiều nhất cả nước, với 915 điểm 10; điểm trung bình nhiều môn của thí sinh Hà Nội đều tăng so với điểm trung bình của cả nước như các môn toán, ngữ văn, vật lý, lịch sử, ngoại ngữ...
Về nhiệm vụ năm học 2024-2025 với cấp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chất lượng, hiệu quả; phát triển mạng lưới trường lớp, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; đổi mới công tác quản lý; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.
Điểm lại những kết quả tiêu biểu của toàn ngành, trong đó có giáo dục cấp THPT năm học vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu những thách thức đòi hỏi ngành Giáo dục Hà Nội cần có giải pháp khắc phục, đó là làm thế nào để giảm sĩ số học sinh/lớp, bảo đảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia; làm thế nào để bảo đảm đủ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ở cấp THPT là 2,25 giáo viên/lớp); nâng chất lượng đời sống giáo viên và giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền...
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị, các nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nhà trường cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT... Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường quan tâm triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.