(HNM) - Ngày 14-4, tại buổi kiểm tra công tác bầu cử tại quận Hai Bà Trưng, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, UVTƯ Đảng, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) TP lưu ý việc niêm yết cử tri phải làm đúng hướng dẫn, trong đó cần có giải pháp cụ thể đối với cử tri là sinh viên là đối tượng đặc thù trên địa bàn (có 7 trường ĐH, CĐ với khoảng 1 vạn sinh viên), cũng như người lao động ngoại tỉnh, người giúp việc trong các gia đình…
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh kiểm tra công tác bầu cử tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Bá Hoạt
Danh sách cử tri cần được niêm yết sớm để người dân xem và cho ý kiến. Con số về cử tri còn biến động từ nay đến ngày bầu cử, nên quận cần hết sức tránh khi lên danh sách cử tri bị thừa hoặc bỏ sót. Đối với hiệp thương lần thứ ba, cần có phương án dự phòng để kịp thời giải quyết, không để xảy ra trường hợp không bảo đảm số dư theo quy định. Quận cũng cần có kế hoạch tổ chức để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử của mình ở cả 4 cấp bằng các cuộc tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động. Đây là việc khó, vì trong thời gian ngắn, phải tổ chức rất nhiều hội nghị, nên việc chỉ đạo phải sát sao với trách nhiệm cao. Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh cũng nhấn mạnh việc tập huấn giám sát bầu cử, kiểm phiếu cần làm thật kỹ lưỡng, không để lúng túng khi thực hiện.
Trước đó, Chủ tịch UBBC TP đã kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Tại đây, đồng chí đã ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự vào cuộc hiệu quả của lãnh đạo phường đối với nhiệm vụ trọng tâm này.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch UBBC TP dẫn đầu đoàn kiểm tra số 2 làm việc tại quận Tây Hồ. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo lưu ý, đây là thời gian nước rút, tính chất và ý nghĩa công việc tiếp theo ngày càng quan trọng. Vì vậy, UBBC quận cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các công việc, bảo đảm không xảy ra sai sót. Về thành lập tổ bầu cử, đồng chí yêu cầu lựa chọn nhân sự sao cho bảo đảm trình độ, chất lượng, những người được chọn phải có kinh nghiệm và năng lực. Việc tập huấn cho lực lượng này phải hết sức kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả khi vào việc. Trước ngày 17-4, việc niêm yết danh sách cử tri phải thực hiện, đây là việc liên quan đến quyền của cử tri, nên chính quyền các cấp phải nắm chắc danh sách, trong đó chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm chính. Quận cũng cần lường trước khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo gia tăng khi công bố danh sách người ứng cử để chuẩn bị phương án giải quyết có bài bản, bảo đảm kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật. Trong giải quyết cần tăng cường thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiểm tra công tác bầu cử tại phường Xuân La, quận Tây Hồ. Ảnh: Nguyệt Ánh
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã tới kiểm tra bầu cử tại phường Xuân La.
* Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, Phó Chủ tịch UBBC TP dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác bầu cử đã làm việc với huyện Thường Tín và quận Hoàng Mai. Đồng chí Tưởng Phi Chiến chỉ đạo hai địa phương cần tổ chức tốt Hội nghị hiệp thương lần 3 bảo đảm dân chủ, đúng luật. Công tác lập danh sách cử tri cũng cần bảo đảm đủ thông tin; huyện Thường Tín, quận Hoàng Mai cũng cần tích cực phối hợp với các đơn vị quân đội, trường học trên địa bàn để lập danh sách không để sai sót. Đồng chí cũng lưu ý hai địa phương tăng cường giải quyết đơn thư, thường xuyên nắm bắt ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh.
* Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại quận Hà Đông và quận Cầu Giấy. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBBC các quận Hà Đông, Cầu Giấy tăng cường tuyên truyền về Luật Bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri; phối hợp với lực lượng chức năng chuẩn bị mọi thông tin cần thiết để giải quyết mọi đơn thư khiếu nại của nhân dân; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, lập và công bố danh sách chính thức đại biểu ứng cử, niêm yết danh sách cử tri trước ngày 17-4.
* Đoàn kiểm tra của TP đã kiểm tra tiến độ thực hiện công tác bầu cử tại 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức. Đoàn công tác của TP đã đề nghị hai huyện làm tốt công tác thẩm tra tư cách đại biểu, giải quyết các đơn thư, bảo đảm số dư đại biểu, nâng cao trách nhiệm của tổ bầu cử ở cơ sở, bảo đảm chuẩn bị tốt mọi mặt để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
* Ngày 14-4, Tổ giúp việc Tiểu ban Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, ĐB HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Hoàng Long làm tổ trưởng đã chính thức ra mắt và họp phiên đầu tiên. Trong cuộc họp, Tổ giúp việc đã đóng góp xây dựng báo cáo kết quả định kỳ về công tác thông tin tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Thời gian qua, bám sát các nội dung kế hoạch thông tin, tuyên truyền bầu cử và các văn bản chỉ đạo của TƯ, TP, các ngành thành viên Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành hàng vạn cuốn tài liệu tuyên truyền về bầu cử tới các chi bộ Đảng, hệ thống đoàn thể ở cơ sở; hoàn thành nội dung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền về bầu cử tới các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên tổ chức, đoàn thể xã hội, hơn 20 cụm pa nô ở các cửa ngõ và trung tâm Thủ đô… Bước đầu công tác thông tin, tuyên truyền đã có tác dụng tích cực, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày hội bầu cử. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tiểu ban thông tin, tuyên truyền sẽ tăng cường kiểm tra tại cơ sở, nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời chỉ đạo để công tác tuyên truyền về bầu cử đáp ứng được yêu cầu đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.