(HNM) - Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đến gần, thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đang tập trung thúc đẩy sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường về các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn... Năm nay, nguồn cung thịt lợn giảm nhiều, nhưng thị trường Hà Nội sẽ không thiếu thực phẩm.
Chủ động tăng nguồn cung hàng hóa
Chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường cuối năm, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Hiền, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) cho biết, từ tháng 10-2019 doanh nghiệp đã liên kết và đặt hàng các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố, với dự kiến cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 200 tấn thịt lợn vào dịp cuối năm 2019. Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa), hiện nay trang trại đang nuôi 3.000 lợn nái và khoảng 70.000 lợn thương phẩm, dự kiến Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 500-600 tấn thịt lợn.
Để bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra, các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố đã chủ động tăng nguồn cung ra thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), hiện nay hội có 30 thành viên, mỗi thành viên chăn nuôi với quy mô khoảng 1.000-5.000 con/hộ. Năm nay, các hộ tăng tổng đàn lên hơn 10%. Dự kiến Tết này, mỗi hộ cung cấp cho thị trường khoảng 30-50 tấn thịt gà.
Cũng trên đà sản xuất nông nghiệp thuận lợi, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, Tết năm nay, hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 1.500 đến 1.800 tấn rau các loại.
Từ nay đến cuối năm 2019 là thời điểm doanh nghiệp và hộ nông dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong tháng Tết ước tính khoảng 87.500 tấn gạo, 24.000 tấn lợn hơi, 6.153 tấn thịt bò, 6.500 tấn thịt gà, 100.000 tấn rau, củ và 100 triệu quả trứng gà, vịt... Hà Nội đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho người dân, phần còn lại do nguồn hàng nhập khẩu và từ các tỉnh, thành phố khác cung cấp.
Để chủ động nguồn hàng, bảo đảm giá cả ổn định, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội để các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng với các đơn vị sản xuất của các tỉnh, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Dịp Tết sẽ không thiếu thực phẩm
Nắm bắt về nhu cầu sử dụng thịt lợn trong dịp cuối năm, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, công ty đã tăng hơn 10% số lượng đàn lợn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, để ổn định thị trường, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tín dụng đối với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học để họ tái đàn, vì đây cũng là một kênh cung cấp ra thị trường một lượng lớn thực phẩm.
Theo ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), các ngành chức năng cần thông tin kịp thời nhu cầu thị trường Tết để người dân định hướng sản xuất cho phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu và ngược lại; đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã trong việc kết nối với doanh nghiệp, siêu thị để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Để đáp ứng nguồn cung thực phẩm ra thị trường, đặc biệt là bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đẩy mạnh việc sản xuất những sản phẩm thay thế như thịt trâu, bò, gia cầm, thủy sản. Hiện nay, đàn gia cầm của thành phố có khoảng 32 triệu con, tăng 19%; đàn trâu bò là 153.217 con; diện tích nuôi trồng thủy sản là 22.400 ha, tăng 10% so với năm 2018.
Đối với mặt hàng rau, vụ đông năm 2019, toàn thành phố gieo trồng 15.850 ha, trong tháng Tết có thể cung cấp từ 50.000 đến 60.000 tấn rau các loại... Đồng thời, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường điều tra, dự báo chính xác, kịp thời tình hình sâu, bệnh; khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Qua đó bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
So với các năm trước, việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa nông sản cho thị trường Tết năm nay của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã bài bản hơn với các hình thức đặt hàng giữa doanh nghiệp, người sản xuất gạo, thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả… theo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc... Vì vậy, dù nguồn cung thịt lợn giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn có thể tăng cao hơn, nhưng chắc chắn thị trường sẽ không thiếu các loại thực phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Canh Tý năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.