Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương: Gắng công vì đạo nghĩa

Thái Hà| 12/04/2010 05:23

(HNM) - 2010 là năm có nhiều ngày lễ lớn của cả dân tộc Việt, trong đó Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 1 tháng Ba âm lịch) mở đầu cho các hoạt động tiến tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với ý nghĩa lớn lao ấy, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Hùng được triển khai hết sức chu đáo, kỹ càng và có nhiều điểm mới.

Chăm chút nơi nguồn cội "đồng bào"

Những ngày này, có mặt tại quần thể Di tích đền Hùng, ai nấy đều rưng rưng trước không gian đặc biệt của vùng đất thiêng trước ngày Giỗ tổ, đồng thời thỏa nguyện khi thấy nhiều công trình tại nơi thờ phụng tổ tiên đã được trùng tu, xây dựng uy nghi, trang trọng, điển hình là đền Trung và đền Thượng.

Thi gói bánh chưng tại Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Phương An

Đền Trung được xây dựng lại trên nền cũ, với diện tích 154m2, kết cấu khung cột, sườn mái, kèo bằng gỗ lim theo hình chữ nhị (trước kia là chữ nhất). Nhà Hạ của đền dài 9,9m, rộng 3,8m, cao 4,8m; nhà Hậu cung dài 9,9m, rộng 4,4m, cao 5m, giữa hai nhà có sân rộng hơn 30m2. Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lý giải sự thay đổi trên là vì vào năm 1997, khi đục tẩy vữa tường đền Trung, nhóm thợ đã phát hiện có hai cửa ra vào và một ô cửa sổ ở giữa giống như lối vào ở phía trước, chứng tỏ còn có một nhà ở phía sau nữa. Ngay trong quá trình thi công công trình năm 2009, nhóm thợ lại phát hiện có một dãy đá chân tảng chìm dưới đất 70-80cm, chứng tỏ trước đây đã có nhà làm bằng cột trên đó.

Phục dựng đền Thượng dựa trên kiến trúc cũ, song tường hậu của Hậu cung đền chính được mở rộng để có lối thông thủy phía sau bàn thờ. Móng công trình được giằng bê tông cốt thép vững chắc, khung cột xà đều bằng gỗ lim, tường và nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài, cánh cửa được đục chạm tinh xảo hai mặt…

Công trình Lăng mộ Vua Hùng thứ 6 cũng được tu bổ, tôn tạo lại toàn bộ. Các công trình mới được xây dựng trong quần thể Khu di tích đền Hùng còn có đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim...

Di tích Quốc Tổ khang trang, bề thế, ngày ngày đón con cháu về tưởng niệm tiền nhân, nhớ về cội nguồn "cùng chung một bọc" với nghĩa "đồng bào" để gắn kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ông Nguyễn Tiến Khôi khẳng định.

Mở tầm lễ hội, khai tâm đạo lý

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ nói: Với tinh thần tổ chức lễ Giỗ tổ trang trọng, linh thiêng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, không gian tổ chức Lễ hội đền Hùng năm 2010 được mở rộng hơn so với trước. Sáng 14-4 (mùng 1 tháng Ba âm lịch) là lễ diễu hành của đoàn nghệ thuật dân gian các tỉnh vùng Đông bắc; các tỉnh, thành phố trong chương trình góp giỗ và 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Thọ từ 4 hướng tiến về Nhà bảo tàng Hùng Vương (TP Việt Trì) dự lễ khánh thành và thưởng ngoạn những hiện vật quý thời Hùng Vương, thời Lý - Trần. Đây cũng là hoạt động mở đầu trong chuỗi hoạt động chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại lễ hội. Tối cùng ngày, sẽ là màn biểu diễn nghệ thuật hoành tráng khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2010 và Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh vùng Đông bắc với chủ đề "Linh thiêng Đất tổ Hùng Vương".

Nối tiếp những ngày hội là các chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian như rước kiệu, đấu vật, cờ tướng, đẩy gậy, bơi chải… trong diễn trường rộng từ Khu di tích đền Hùng đến nhiều địa điểm trong thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Trại điêu khắc quốc tế mang tên "Ấn tượng Đất tổ Hùng Vương" lần thứ 2; triển lãm ảnh "Các vùng kinh đô Việt Nam"; triển lãm sách "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam"…

Điểm nhấn trong chương trình Quốc lễ Giỗ tổ được ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, đó là màn biểu diễn với chủ đề "Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng" vào 22 giờ ngày 21 - 4 (mùng 8 tháng Ba âm lịch). Tối 22-4 là chương trình võ thuật dân tộc "Hào khí đất Việt"; chương trình nối vòng tay nhân ái vì người nghèo Phú Thọ và bắn pháo hoa tại thành phố Việt Trì. Đặc biệt, nghi lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng Ba âm lịch (tức ngày 23-4-2010) với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Hứa hẹn mùa lễ hội an vui

Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay: Theo dự tính của BTC, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2010 sẽ có khoảng 5 triệu lượt người hành hương về Đất tổ. Vì một mùa lễ hội an toàn, tỉnh Phú Thọ đã thành lập tiểu ban giao thông, vận tải phối hợp cùng với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phân luồng giao thông từ xa. Với tuyến Hà Nội lên Phú Thọ và Lào Cai sang sẽ được phân luồng theo tuyến đường 32C và 70. Còn tại các điểm du khách hành lễ, tỉnh đã bố trí các bãi đỗ xe, cùng lúc có thể chứa 3.000 xe ô tô, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi xe của khách.

Để hạn chế tới mức thấp nhất tệ nạn ăn xin, móc túi, chặt chém du khách, tỉnh đã phân công các lực lượng chức năng nhập cuộc. Đặc biệt, trước mùa lễ hội, Trung tâm Du lịch dịch vụ Đền Hùng đã đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp hệ thống xe điện, sẵn sàng phục vụ khách đi tham quan các điểm trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng. Đưa vào khai thác các tua, tuyến du lịch từ đền Hùng đi Đền mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu (Hạ Hòa), Vườn quốc gia Xuân Sơn, khu nước khoáng nóng Thanh Thủy, khu di tích lịch sử Chiến thắng Sông Lô với thời gian từ 1 đến 3 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương: Gắng công vì đạo nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.