(HNMO) - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 diễn ra các ngày 9 và 10-8. Tăng tốc ôn tập, rà soát các khâu là việc ngành Giáo dục Hà Nội và các nhà trường triển khai với mục tiêu bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng “đầu vào” ở bậc đại học, cao đẳng khi kết quả kỳ thi được hầu hết trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh.
Vừa ôn kiến thức, vừa rèn kỹ năng
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tăng hơn 13.500 thí sinh so với năm trước. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 643.122 em, chiếm 71,5%, giảm gần 10.000 em so với năm 2019.
Tại Hà Nội, khoảng 80.000 thí sinh tham dự kỳ thi, trong đó có hơn 75.000 học sinh đang học lớp 12, tăng khoảng 3.000 học sinh so với năm 2019.
Thầy giáo Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), cho biết, nhà trường đã hoàn thành chương trình học cho học sinh các khối lớp và đang ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhằm hỗ trợ công tác ôn tập cho học sinh lớp 12. Sau ngày 15-7 tới, nhà trường dự kiến tiếp tục hỗ trợ học sinh ôn tập thêm 2 tuần. Để bảo đảm hiệu quả ôn tập, bên cạnh việc hướng dẫn học sinh cách tự học, nhà trường cũng dành thời gian hệ thống toàn bộ kiến thức cơ bản để các em ghi nhớ chắc chắn.
Em Nguyễn Thu Hương, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), chia sẻ: "Chúng em được thầy, cô giáo cho làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan nhiều lần. Cách thức này vừa giúp chúng em ghi nhớ kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng làm bài thi, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Ngoài ra, chúng em cũng được tập dượt với việc làm bài thi trong khoảng thời gian như ở kỳ thi thật để biết cách phân bổ thời gian hợp lý".
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đã kết thúc việc nhận “Phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng” năm 2020 từ ngày 30-6 vừa qua. Tuy nhiên, các thí sinh vẫn còn cơ hội để điều chỉnh thông tin.
Em Trần Hoài Nam, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa), cho hay: "Dù đã hết hạn nộp phiếu đăng ký dự thi, nhưng chúng em vẫn được thầy, cô giáo nhắc nhở xem lại phiếu số 2 của hồ sơ đăng ký dự thi đang giữ để rà soát toàn bộ thông tin, kịp thời điều chỉnh trước ngày thi".
Rà soát các khâu
Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý làm Trưởng ban. Ngày 26-6, Ban Chỉ đạo đã họp, rà duyệt từng phần việc và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên với yêu cầu rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian. Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức kỳ thi nhằm bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
Hiện nay, công tác rà soát các trường dự kiến sử dụng làm điểm thi đang được khẩn trương triển khai. Theo kế hoạch, danh sách các điểm thi sẽ được chốt vào ngày 10-7, làm căn cứ để các sở, ngành, UBND các cấp triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức kỳ thi. Dự kiến, toàn thành phố sẽ có 143 điểm thi với 3.336 phòng thi để phục vụ thí sinh dự thi.
Theo Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản, Hà Nội dự kiến huy động khoảng 8.700 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi và giám sát phòng thi. Ngoài ra còn có hơn 1.400 nhân viên làm công tác bảo vệ, phục vụ các khâu của kỳ thi. Xác định yếu tố con người có vai trò quan trọng đối với sự an toàn của kỳ thi, Sở đặc biệt coi trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi, đặc biệt là ở các khâu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi... Tất cả cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ đều phải bảo đảm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và nắm vững quy chế thi.
Để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tiêu cực và bảo đảm kết quả thi thực chất, năm nay, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật ở nhiều khâu; đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn để bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại thông tin thêm: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, thanh tra thành phố Hà Nội và thanh tra Sở. Trong đó, lực lượng thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có cán bộ, giảng viên đại học sẽ tham gia thanh tra, kiểm tra mọi khâu của kỳ thi.
Với sự quyết tâm, chung sức của nhiều lực lượng, thành phố Hà Nội quyết tâm chuẩn bị các khâu chu đáo để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.