Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10: Nâng chất lượng giáo dục đại trà

Thống Nhất| 17/02/2020 06:36

(HNM) - Theo kế hoạch, khoảng 4 tháng nữa, học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021. Việc học tập ở trường gián đoạn vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra đòi hỏi các nhà trường chủ động, nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ học sinh. Quan tâm đến học sinh yếu, kém, nâng chất lượng giáo dục đại trà là giải pháp căn bản được các đơn vị tập trung triển khai.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học phòng tránh dịch bệnh do Covid-19. Ảnh: Quang Thái

Dạy và học toàn diện hơn 

Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 vẫn giữ ổn định như năm học 2019-2020. Tức là, học sinh thi 4 môn, gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và môn thứ tư công bố trong tháng 3-2020. Thực tế, phương thức tuyển sinh này đã tác động tích cực tới các trường trung học cơ sở, giúp việc dạy, học toàn diện và đồng đều hơn. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phổ biến cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh về phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Từ đó, giáo viên các bộ môn đều chú trọng đến chất lượng giảng dạy hơn, học sinh quan tâm học đều các môn hơn và không còn hiện tượng chỉ tập trung học 2 môn ngữ văn, toán. 

Ngoài việc bảo đảm giảng dạy đồng đều các môn học, một trong những giải pháp được các địa phương tích cực triển khai là tăng cường đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tạo các điều kiện tốt nhất về mọi mặt để học sinh phát huy năng lực toàn diện. Năm học 2019-2020, Hà Nội có 636 trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học với tổng số hơn 475.000 học sinh, tăng 24.000 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, việc gia tăng học sinh chỉ tập trung một số địa bàn, như các quận: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục của các địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên..., nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là ở khối lớp 9, giúp các em đáp ứng tốt các yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho hay, là địa phương có quy mô học sinh tăng nhanh nên quận Thanh Xuân đặc biệt quan tâm xây dựng trường học mới và mở rộng diện tích các trường học hiện có. Năm học 2019-2020, quận đã xây dựng mới 5 trường học và bổ sung hàng trăm phòng học mới, góp phần giảm sĩ số học sinh/lớp, tạo điều kiện để thầy và trò dạy, học tốt hơn. 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin thêm, năm học 2019-2020, thành phố đã đầu tư xây mới 67 trường học, cải tạo 407 trường học với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng; đồng thời mua sắm trang thiết bị dạy học với kinh phí 745 tỷ đồng.

Trong thời gian tạm nghỉ học phòng, tránh dịch bệnh do Covid-19, nhiều trường đã chủ động hướng dẫn trực tuyến để bảo đảm củng cố kiến thức cho học sinh. Ảnh: Quang Thái

Không bỏ rơi học sinh yếu, kém 

Học kỳ I năm học 2019-2020, toàn thành phố vẫn còn hơn 2% số học sinh xếp loại học lực yếu và kém, tương ứng với khoảng 10.000 học sinh. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, có 60 trường có học sinh đạt tổng điểm thi 4 môn (trong đó môn toán và môn văn hệ số nhân đôi) dưới 30 điểm, chiếm 10% tổng số trường. Không bỏ rơi học sinh yếu, kém để các em đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, đang là mục tiêu của các trường. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, trung bình mỗi năm quy mô học sinh của quận tăng 4.000 em, hầu hết đều là con em người lao động từ nhiều địa phương khác đến sinh sống, làm việc trên địa bàn, nên chất lượng giáo dục ở các trường không đồng đều. Một trong những giải pháp được quận triển khai là tổ chức cho giáo viên dạy lớp 9 chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả hỗ trợ học sinh yếu, kém. Các nhà trường khuyến khích các lớp 9 thực hiện dạy tiết 0 (trước khi vào tiết 1) để kèm học sinh yếu. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Ủy viên Hội đồng Quản trị Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành, quận Bắc Từ Liêm, là trường ngoài công lập, chất lượng “đầu vào” không cao, một số học sinh chưa có ý thức tự giác học tập, nên trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng dịch bệnh do Covid-19, nhà trường triển khai hình thức học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để cùng hỗ trợ học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm hơn tới học sinh cuối cấp, nhất là những em học sinh học lực yếu là nhiệm vụ trọng tâm của các trường và của toàn ngành. Ngoài các giải pháp cụ thể của từng trường, ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm chất lượng như tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo các tiêu chí giỏi chuyên môn, vững kỹ năng và đẹp về phẩm chất đạo đức; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy học…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10: Nâng chất lượng giáo dục đại trà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.