(HNM) - Cách đây gần một năm, tức sau hai năm Đại lộ Thăng Long chính thức được đưa vào sử dụng, Báo Hànộimới đã có bài về việc chậm tiến độ hoàn thành con đường này.
Bài 1:Nhếch nhác, ngập úng và nguy hiểm
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi trở lại con đường được mệnh danh là "đẹp nhất Việt Nam" sau khi tiếp nhận hàng loạt thông tin về sự nhếch nhác, bụi bẩn trên con đường này. Song, trước khi nói về sự nhếch nhác trên con lộ này, chúng tôi cần nhắc lại về độ "siêu khủng" của nó ở nhiều góc độ: Dài 29,264km, tổng đầu tư lên tới 7.527 tỷ đồng; thời gian thi công tính đến lúc cắt băng khánh thành (tháng 10 năm 2010) là hơn 7 năm… Nhưng đáng nói hơn cả là sau ngày cắt băng khánh thành chính thức đưa vào sử dụng đã gần 1000 ngày, con đường vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.
Vẫn còn nhiều rào chắn trên các tuyến của đại lộ.Ảnh: Ngọc Hải |
Đại lộ hay đường làng?
Xuất phát từ điểm giao cắt Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, điểm đầu tiên của con đường, chúng tôi lại nhớ những ngày chuẩn bị cho việc khánh thành của con đường này. Hơn 2.000 đoàn viên thanh niên đã được huy động để phát cỏ, dọn rác bẩn cho ngày khánh thành. Ở thời điểm đó, mọi người đều mơ ước về một con đường hoành tráng, quy củ từ cách phân làn đến sự thoáng đẹp của nó, với thiết kế mặt đường rộng 140m, 4 làn đường tách biệt: gom trái, cao tốc trái, gom phải, cao tốc phải và 2 hầm chui, 12 nút giao, 13 cầu vượt... Ngoài ra, đại lộ còn có dải phân cách giữa rộng 20m đã được quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị cộng với hai dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị.
Thế nhưng, mong ước bao nhiêu người tham gia giao thông lại càng thất vọng bấy nhiêu khi con đường hiện hữu đã nhiều năm mà hàng chục điểm giao cắt, hạng mục công trình phụ trợ vẫn chưa hoàn thiện. Hàng ngày dòng xe xuôi ngược trên con đường này vẫn ngập chìm trong bụi của đại công trình mang tên Đại lộ Thăng Long. Chị Hoàng Thị Nguyệt, hằng ngày vẫn bám trụ bán nước chè chén ngay dưới nút giao cắt Hoàng Xá (Hoài Đức) không giấu nổi bức xúc: "Đúng là nhà nghèo nên em phải ra bám đường kiếm tiền chứ sung sướng gì khi hằng ngày hít bụi trên cái đại lộ này". Theo chị Nguyệt, dù về cơ bản mặt đường đã xong nhưng từ lâu nay mặt đường luôn bị phủ bởi những lớp đất, cát, vật liệu xây dựng rơi vãi từ xe tải chở vật liệu cho các công trình phụ trợ. Đó là chưa kể nhiều đoạn đường bị cày xới, ngập bụi trong ngày nắng, đọng nước vào ngày mưa. Gần nơi mà chị Nguyệt bán hàng, con đường dẫn lên cầu vượt đã sụt lún, lồi lõm thành các "ổ voi" hàng năm nay rồi nhưng không hề thấy đơn vị nào xử lý. Nhiều xe tải muốn quay đầu hướng về Hà Nội phải nối đuôi nhau bò từng mét vì sợ lật. Nghe chị Nguyệt phàn nàn, anh Nguyễn Nam Khánh, lái xe tải dừng chân bên quán cũng góp chuyện: "Tiếng là đại lộ nhưng anh nhìn xem có giống đường làng không!". Bởi theo anh Khánh, hiện nay đường gom ở cả hai bên (bên trái và bên phải) đều cho phép 2 làn xe chạy ngược chiều nhau. Đường hẹp, bụi, cỏ trong dải phân cách mọc lút đầu người chờm cả ra ngoài, chỉ cần lái xe lơ đễnh một chút là có thể xảy ra tai nạn. Đặc biệt, tại các đầu cầu chui dân sinh, cỏ dại mọc um tùm khiến người điều khiển phương tiện bị che khuất tầm quan sát khi chưa thoát khỏi điểm giao cắt. Ấy là chưa kể người dân bám đường kinh doanh đủ thứ, từ ngô, ốc, ổi… đến các nhà hàng đặc sản, khiến con đường vốn hẹp lại càng hẹp hơn.
Tiến hành khảo sát dọc tuyến đường, chúng tôi cũng nhận thấy, trên toàn tuyến, hầu hết các đoạn đường đều chưa thi công xong phần vỉa hè. Nhiều điểm để cỏ hoang mọc cao lúp xúp tầm mắt. Nhiều điểm khác dù đã bắt đầu được đào xới, thi công nhưng những công nhân dường như chỉ làm việc cầm chừng. Tại hàng chục cầu vượt vẫn chưa hoàn thiện việc đấu nối với các đường nhánh giữa trung tâm các thị trấn cũng như đường dẫn lên cầu. Tại nhiều điểm cầu chui dân sinh, các lớp thảm bê tông bắt đầu bong tróc nham nhở tạo thành những điểm lồi lõm trên mặt đường. Bà Nguyễn Thị Thủy, ở An Khánh (Hoài Đức) bức xúc kể, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa rồi, hầu hết các cầu chui dân sinh bị ngập do không thoát được nước mưa. Thậm chí nước ngập sâu đến mức cơ quan chức năng phải đặt biển cấm và hướng dẫn người dân đi lên cầu vượt hoặc đi theo đường khác. Bà Thủy cho rằng: "Có lẽ đơn vị thi công chỉ quan tâm đến mặt đường lớn mà không cần quan tâm đến đời sống dân sinh nên thi công các cầu chui quá tạm bợ. Thiếu hệ thống thoát nước, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, điểm ráp nối mặt đường từ cầu chui ra đường gom luôn lồi lõm, thiếu đồng mức gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông...".
Cùng một nỗi bức xúc, ông Nguyễn Hữu Thắng, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất kể rằng, gia đình ông nằm trong diện giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Diện tích bị thu hồi đến hơn 3.000m2 với hàng nghìn cây keo 3-4 năm tuổi. Mặc dù tiền đền bù không đủ bù đắp chi phí cải tạo đất, chăm sóc cây nhưng gia đình ông vẫn bàn giao mặt bằng đúng tiến độ với hy vọng dự án sớm hoàn thiện, tạo huyết mạch giao thông của Thủ đô. Ấy thế mà đã hơn 6 năm bàn giao mặt bằng, con đường vẫn cứ dang dở nhiều hạng mục. Khoát tay một vòng, ông Thắng bảo: "Anh đi từ đầu đến cuối con đường rồi thì biết. Đường hẹp, bụi bặm, cỏ mọc um tùm… Cầu với đường thì mãi không xong nên người dân ở đây qua đường toàn phải băng qua đại lộ rất nguy hiểm, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra".
Dang dở và xuống cấp
Người dân thì không ngớt chê cung cách quản lý đại lộ như… đường làng, còn một số người làm công tác duy tu đường khi được phỏng vấn thì lại cho rằng, để dẫn đến tình trạng nhếch nhác có lỗi của người dân sinh sống hai ven đường. Ví như đã có lệnh cấm chăn thả gia súc trên Đại lộ Thăng Long, nhưng dường như nhiều người dân vẫn cố tình phớt lờ quy định này, thản nhiên lùa đàn bò vào khoảng trống giữa hai làn đường chính, hàng ngày có hàng chục con bò của người dân đang được chăn thả ngay giữa làn cỏ ở giữa làn đường cao tốc.
Đem những bức xúc, trăn trở của người dân và chính quyền địa phương nơi đại lộ đi qua tìm đến Ban Quản lý dự án đường Láng - Hòa Lạc, đơn vị được giao quản lý xây dựng tuyến đường, thế nhưng năm lần bảy lượt chúng tôi cũng không thể gặp được đại diện của đơn vị này. Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngày 22-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện dự án, đặc biệt đối với những hạng mục gây bức xúc trong đời sống dân sinh.
Công điện chỉ rõ, dự án mở rộng, hoàn thiện Đại lộ Thăng Long bị chậm tiến độ do một số tồn tại, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. Bên cạnh yêu cầu thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho dự án trước ngày 15-5-2012, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để giải quyết những vướng mắc; chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại của dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày có công điện, cùng nhiều văn bản đôn đốc khác của Chính phủ và thành phố Hà Nội, nhiều hạng mục công trình của Đại lộ Thăng Long vẫn dang dở, hoặc đã xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau gần một nghìn ngày đưa vào sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.