Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa xét tuyển đã lo thiếu

Quỳnh Phạm| 21/09/2010 07:13

(HNM) - Sau khi những trường cuối cùng đã công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2, các thí sinh chưa tìm được "bến đỗ" vẫn còn cơ hội trong cuộc đua xét tuyển NV3.

Trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh năm nay NV3 có tới 1.200 chỉ tiêu đại học và 350 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Trong ảnh: Giờ học tại Khoa Cơ khí trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh.


ĐH vùng và dân lập vẫn "khát" thí sinh
Điểm của kỳ tuyển sinh năm nay không cao, có phần thấp hơn mọi năm, trong khi điểm sàn vẫn giữ nguyên như năm 2009, khiến nhiều trường khá chật vật để tuyển đủ chỉ tiêu cho NV2. Khó khăn nhất vẫn là các ngành kỹ thuật, nông, lâm, ngư... trong khi các ngành kinh tế, tài chính, kế toán vẫn "bội thực" thí sinh (TS) với điểm trúng tuyển khá cao. Ngay ở Trường ĐH Điện lực, các ngành kỹ thuật là thế mạnh của trường cũng không hấp dẫn TS bằng các ngành kinh tế. Điểm trúng tuyển NV2 vào ngành Tài chính - Ngân hàng của trường lên đến 20, còn ngành Kế toán thậm chí không cần xét NV2. Trường ĐH Thương mại có điểm trúng tuyển NV2 cao hơn điểm chuẩn NV1 của nhiều trường công lập khác. Ngành Quản trị thương mại điện tử 20 điểm, Quản trị Hệ thống thông tin thị trường và thương mại 19,5 điểm; Quản trị Thương hiệu 20 điểm, Quản trị Tổ chức dịch vụ  y tế và chăm sóc sức khỏe 16,5 điểm. Cũng như ĐH Thương mại, phần lớn các trường ĐH công lập không xét tuyển NV3.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là một trong số ít trường công lập phải xét tuyển NV3 cho một số ngành. Đó đều là những ngành không có sức hút như Sư phạm Kỹ thuật (41 chỉ tiêu), Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp (16 chỉ tiêu), Tin học (43 chỉ tiêu), Tiếng Trung Quốc (12 chỉ tiêu) và Thư viện-Thông tin (26 chỉ tiêu). Điểm xét tuyển các ngành này chỉ từ 14 đến 15 điểm. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định dành 500 chỉ tiêu ĐH để xét tuyển NV3 với các ngành Tin học ứng dụng, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện, Công nghệ tự động, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ hàn, Công nghệ kỹ thuật ôtô.

Chỉ tiêu NV3 hiện nay chủ yếu nằm ở các trường ĐH, CĐ vùng và trường dân lập, tư thục với mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hầu hết bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn không đáng kể. ĐH Huế năm nay có tới hơn 1.000 chỉ tiêu NV3. Một trong những trường ĐH có số chỉ tiêu NV3 lớn nhất là ĐHDL Lương Thế Vinh với 1.200 chỉ tiêu hệ ĐH và 350 chỉ tiêu hệ CĐ. Trường ĐHDL Đại Nam cũng tuyển khoảng 500 chỉ tiêu NV3 cho tất cả ngành đào tạo. Trường ĐH Hoa Lư có hơn 160 chỉ tiêu NV3 cho hệ ĐH và CĐ. ĐH DL Thăng Long xét tuyển 100 chỉ tiêu ĐH NV3. Trường ĐHDL Phương Đông còn 230 chỉ tiêu hệ ĐH, 70 chỉ tiêu hệ CĐ. Trường ĐHDL Hải Phòng dành 200 chỉ tiêu xét tuyển NV3. Trường ĐH Nguyễn Trãi xét tuyển 240 chỉ tiêu NV3 hệ ĐH với điểm nhận hồ sơ ĐKXT từ 13 điểm. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà còn 400 chỉ tiêu NV3 hệ ĐH. Trường CĐ Bách khoa Hưng Yên vẫn còn tới 1.100 chỉ tiêu....

Bức xúc nhu cầu hướng nghiệp
Qua kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, các chuyên gia đánh giá: Có nhiều ngành khó tuyển không phải vì xã hội không có nhu cầu mà chủ yếu do nhận thức của TS. Các ngành Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, Nhiệt lạnh, Cơ - điện tử, Công trình thủy... luôn có mặt trong danh sách xét tuyển NV3. Trên thực tế, xã hội rất cần cán bộ có trình độ ĐH ở những ngành này, nhưng do sinh viên không nắm vững thông tin, chỉ nghe đến "cơ khí", "lâm nghiệp"… là đã ngại, trong khi đây là những ngành điểm chuẩn thấp mà cơ hội việc làm lại cao.

Ngay trong khối ngành y - dược, thí sinh cũng thường quan niệm học y là phải làm bác sĩ nên không hướng tới các ngành cùng khối khác. Năm nay trường Y của ĐH Huế có 4 ngành xét NV3 là Kỹ thuật y học (xét từ 19 điểm), Y tế công cộng (17 điểm), bác sĩ y học cổ truyền (19,5 điểm) và bác sĩ y học dự phòng (17 điểm).

Tình trạng khó tuyển ở một số ngành đã tồn tại từ vài năm nay. Hậu quả đem đến một nghịch lý: có những ngành quan trọng lẽ ra đòi hỏi đầu vào cao, chẳng hạn như khoa học cơ bản tự nhiên, thì số người thi ít, điểm thi của TS không cao, điểm trúng tuyển thấp, có khi chỉ ngang điểm sàn. Việc tuyển không đủ chỉ tiêu từ nguồn NV3 đã được các trường lường trước và chấp nhận. Theo Phó Giám đốc ĐH Huế, Nguyễn Đức Hưng, năm học vừa qua nhà trường mới  chính thức ngừng đào tạo ngành Phát triển nông thôn của Trường ĐH Nông lâm. Nếu năm nay, sau khi xét tuyển NV3, một số ngành có số đầu vào quá ít thì có thể Hội đồng tuyển sinh cũng sẽ xem xét quyết định ngừng đào tạo.

Diễn biến xét tuyển qua nhiều năm cho thấy, bên cạnh việc cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như người học, việc đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông vẫn là một nhu cầu bức xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa xét tuyển đã lo thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.