Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa tìm được tiếng nói chung

Hà Tuấn| 05/06/2013 06:59

(HNM) - Đã hơn 5 tháng kể từ khi phí bảo trì đường bộ (PBTĐB) có hiệu lực trên cả nước (tháng 1-2013), đến nay các doanh nghiệp vận tải TP Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, phương thức thu phí vẫn còn quá nhiều bất cập và nên tiến hành thu qua xăng dầu để bảo đảm quyền lợi và công bằng.

Bức xúc này một lần nữa lại được nêu ra thẳng thắn tại cuộc tọa đàm "Giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh và an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hàng hóa" do Bộ GTVT và Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh (HH) tổ chức mới đây. Cụ thể, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch HH cho hay, quy định thu phí cả sơ mi rơ moóc và đầu kéo là vô lý vì sơ mi rơ moóc không thể tự vận hành được nếu không có đầu kéo, chỉ khi gắn với nhau mới gọi là một tổ hợp chuyên dụng. Vì vậy, cách thức thu phí trên đã tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp (DN). Đơn cử, một DN vận tải có 150 xe đầu kéo nhưng lại có 200 rơ moóc, vô hình trung 50 rơ moóc thừa vẫn phải đóng PBTĐB. "Để tránh việc lạm thu phí rơ moóc cần phân loại xe đầu kéo chở container trọng lượng bao nhiêu nhằm áp dụng mức thu hợp lý hơn và không cần phải thu phí sơ mi rơ moóc", ông Dinh nói.

Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Hà Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải Sơn Hà phân tích, công ty của ông hiện có 33 đầu kéo với trên 100 rơ moóc. Do tình hình kinh tế khó khăn, DN chỉ hoạt động trung bình 17 đầu kéo/ngày. 50 chiếc sơ mi rơ moóc hiện đang nằm lại bãi tập kết, dần trở thành đống sắt vụn do phơi nắng phơi sương. Với mức phí trung bình 620 nghìn đồng/chiếc/tháng thì việc mỗi tháng DN của ông tốn mất 31 triệu đồng, mỗi năm gần 400 triệu đồng cho những rơ moóc không hoạt động là điều bất hợp lý.

Theo ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc DN vận tải Minh Liên thì bản chất của phí là "biến phí", tức là khi sử dụng mới đóng, không thì thôi. Còn cách thu như hiện nay trở thành "định phí", tức là tất cả các loại xe ô tô (dù chạy hay không chạy) đều phải đóng phí theo kỳ hạn. "Điều này rất vô lý, nên chăng sửa đổi bằng cách trở lại với phí thu qua xăng dầu mới tạo được sự công bằng" - ông Phú thẳng thắn cho biết.

Trước những ý kiến của các DN vận tải, ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính thu theo nguyên tắc một đầu kéo chỉ thu kèm mức phí bổ sung với một rơ moóc. Tuy nhiên, cách thu và thực hiện tiếp theo như thế nào hiện Bộ Tài chính đang xem xét. Phản bác lại ý kiến trên, đại diện DN vận tải TP nêu rõ, chủ trương thu một đầu kéo thu kèm mức phí bổ sung với một rơ moóc chẳng khác nào thu cả 2 loại, điều này đâu gọi là "mở nút" cho DN vận tải.

Một cán bộ của Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng trước khi nghị định về quỹ bảo trì đường bộ ra đời, Bộ GTVT cũng đã tham khảo các ý kiến DN và các cơ quan liên quan để đưa ra cách thu và mức thu sao cho phù hợp. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, DN vận tải lại "kêu", trong khi việc sửa nghị định không phải là chuyện "ngày một, ngày hai". Tuy nhiên ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch HH khẳng định: "Trước khi có chủ trương áp dụng loại hình thu phí này, HH lẫn các DN vận tải TP Hồ Chí Minh liên tục có văn bản gửi đến Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị sự bất hợp lý nhưng mãi vẫn không thấy sửa đổi và giờ thì Nghị định đã áp dụng gần nửa năm nay rồi…".

Trước ý kiến của các DN vận tải TP Hồ Chí Minh, đại diện Bộ GTVT cho hay sẽ ghi nhận và tổng hợp các ý kiến gửi lên Bộ trưởng xem xét sau đó sẽ trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa tìm được tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.