Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa rõ dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư

Tuấn Lương| 20/12/2011 07:14

(HNM) - Ngày 19-12, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành đã nghe Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam - đơn vị tư vấn - báo cáo về Quy hoạch thoát nước (QHTN) Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Theo đánh giá của đại diện các sở, ngành, bản dự thảo quy hoạch này còn chưa rõ ràng trong việc phân định giữa thoát nước mưa, nước thải và thủy lợi; mới tính tới năm 2030 mà chưa làm rõ tầm nhìn tới năm 2050 cũng như các đô thị vệ tinh sẽ hình thành trong tương lai.

Trạm bơm Yên Sở, công trình quan trọng trong hệ thống thoát nước của thành phố.
Ảnh: Bá Hoạt


Ưu tiên đầu tư hàng loạt dự án thoát nước

Theo QHTN đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, đến năm 2030 dự báo sẽ đáp ứng nhu cầu dân số của khoảng 10,8 triệu người trên tổng diện tích khoảng 334.470ha, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 70-80%. Hệ thống thoát nước hiện tại của Hà Nội là thoát nước chung (cho cả nước thải và nước mưa) và còn nhiều hạn chế về quy mô, chất lượng. Tại các quận nội thành hiện còn tồn tại 25 điểm úng ngập khi xuất hiện các trận mưa cường độ từ 50-100mm. Tại các khu vực khác, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên khả năng tiêu thoát nước chỉ đáp ứng cho các trận mưa nhỏ.

Theo dự thảo báo cáo của đơn vị tư vấn, QHTN Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung vào các lưu vực sông Tô Lịch (diện tích 7.750ha); lưu vực tả Nhuệ (5.750ha); lưu vực hữu Nhuệ (khoảng 21.000ha); lưu vực Long Biên - Gia Lâm (6.911ha); lưu vực Mê Linh-Đông Anh (18.298ha); lưu vực đô thị Đông Anh (15.054ha).; lưu vực Sơn Tây (6.404ha); lưu vực Hòa Lạc (13.560ha)... Trong những khu vực này, ngoài việc triển khai các dự án thoát nước cho khu vực nội đô, giảm thiểu úng ngập, TP sẽ tập trung vào các dự án nhằm tăng công suất tiêu như: xây dựng mở rộng trạm bơm Yên Sở; cải tạo và xây dựng tuyến kênh hạ lưu sông Tô Lịch hiện trạng nối từ hạ lưu sông Kim Ngưu và tuyến kênh dẫn đến trạm bơm Đông Mỹ qua cửa xả Văn Điển và Đồng Trì; đầu tư nâng công suất các trạm bơm Đông Mỹ, Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Đồng Bông, Liên Mạc… cải tạo hàng loạt cụm công trình đầu mối khác.

QHTN đề xuất giải pháp quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Cụ thể tại khu vực đô thị trung tâm, vùng đô thị lõi (thuộc lưu vực sông Tô Lịch) về cơ bản vẫn giữ nguyên như đã điều chỉnh quy hoạch từ năm 2010, đồng thời tập trung xây dựng Trạm xử lý hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày và Trạm xử lý Công viên Yên Sở công suất 200.000m3/ngày. Khu vực đô thị từ Vành đai 2 đến sông Nhuệ và một phần đô thị lõi (thuộc lưu vực Tô Lịch và Tả Nhuệ) tập trung thực hiện các dự án Trạm xử lý Yên Xá (công suất 270.000m3/ ngày), Trạm xử lý Phú Đô (84.000m3/ngày). Khu vực Phú Thượng xây dựng Trạm xử lý Phú Thượng (10.000m3/ngày). Khu vực từ sông Nhuệ đến Vành đai 4 đầu tư Trạm xử lý Tân Hội (41.600-62.700m3/ ngày), trạm xử lý Đức Thượng (29.000-46.000m3/ngày)… Quan điểm của quy hoạch là việc lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư phải nhằm giải quyết được các vấn đề bức xúc của TP trong hệ thống thoát nước như chống úng ngập, ô nhiễm môi trường; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải; bảo đảm tính khả thi về tài chính và có cơ chế đặc thù nhằm thu hút vốn đầu tư.

Phải tính tới phương án thoát nước cho 50 đô thị vệ tinh

Đánh giá về dự thảo QHTN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, dự thảo quy hoạch chưa nói rõ được việc thoát nước mưa cho khu vực nông thôn cũng như chưa cập nhật được hệ thống thủy lợi phục vụ thoát nước đô thị và ngược lại. Đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội lại lưu ý, tại hai bên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 32 và Đại lộ Thăng Long, việc thoát nước chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi, nên trong quy hoạch phải xây dựng rõ phương án thoát nước cho khu vực này. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Hậu thì băn khoăn về việc xử lý nước thải, bởi nếu đặt các trạm xử lý nước thải ở cuối nguồn thì người dân trong đô thị vẫn phải chịu đựng ô nhiễm, do đó nên tách hệ thống thoát nước mưa riêng và thoát nước thải riêng để dễ xử lý nước thải.

Trên cơ sở đóng góp của đại diện các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo: nội dung QHTN Hà Nội cần phải bám sát và thể hiện được việc thoát nước cho 10 quận và 2 huyện Từ Liêm và Thanh Trì. Bên cạnh đó phải tính toán phương án thoát nước cho các đô thị vệ tinh (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) cũng như các khu vực ven đô có ảnh hưởng trực tiếp đến đường thoát nước chung của khu vực đô thị. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: dự thảo này mới chỉ tính đến giai đoạn năm 2030 mà chưa rõ tầm nhìn đến năm 2050; chưa hoạch định rõ phân kỳ đầu tư theo giai đoạn như đến năm 2020 sẽ triển khai các dự án nào và đến năm 2030 làm gì; nguồn vốn để triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải; diện tích thoát nước từng lưu vực cũng như hướng thoát nước. Thời gian tới, đơn vị tư vấn cùng với Sở Xây dựng sớm làm việc với Sở NN&PTNT để khớp nối đồng bộ quy hoạch thoát nước và quy hoạch hệ thống thủy lợi của TP trước khi trình Thường trực UBND TP xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa rõ dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.