Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm

Hà Phong| 19/02/2016 06:40

(HNM) - Trước, trong, sau dịp tết Bính Thân năm 2016, Thanh tra Chính phủ nhận được hơn 100 tin báo tiêu cực, nhận quà Tết trái quy định.

Ảnh mang tính minh họa từ internet


Triển khai lấy lệ?

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 yêu cầu nắm tình hình, báo cáo những trường hợp sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp tết Nguyên đán năm 2016. Mốc thời hạn đề ra là chậm nhất tới ngày 15-2-2016, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo bằng văn bản về Thanh tra Chính phủ hoặc gửi fax, thư điện tử tới Cục Chống tham nhũng. Song diễn biến cho thấy, việc thực hiện rất hình thức: Mới chỉ có 22 đơn vị nộp báo cáo với tinh thần chung là chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định; một số nơi không kịp gửi văn bản còn báo cáo qua điện thoại dù Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đôn đốc.

Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng là hoàn toàn đúng đắn nhưng quá trình phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin về việc này, đặc biệt là xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm lại rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của người được nhận quà và tặng quà. Thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán (tính từ ngày 2 đến 16-2-2016), 3 đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng hoạt động 24/24h, đã tiếp nhận tổng cộng 66 nguồn tin có liên quan đến việc tặng quà, nhận quà sai quy định; 50 nguồn tin phản ánh có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng.

Vẫn dựa vào... sự tự giác

So với Tết năm 2014, 2015, tết Nguyên đán Bính Thân, đường dây nóng nhận được nhiều tin báo hơn nhưng đến thời điểm này, Cục Chống tham nhũng vẫn chưa phát hiện được trường hợp nào có sai phạm. Năm 2014, cả nước có 32 trường hợp nộp lại quà biếu, tặng với tổng giá trị 791 triệu đồng. Năm 2015, Cục Chống tham nhũng tiếp nhận 65 nguồn phản ánh, tố giác liên quan đến tặng quà và Cục trực tiếp trả lời, hướng dẫn 32 nguồn tin. Những nguồn tin còn lại phải xác minh, được lưu giữ hồ sơ làm căn cứ báo cáo cấp trên làm rõ bản chất.

Ông Hồ Ngọc Thắng (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) đánh giá, không thể cải thiện tình trạng trên nếu thiếu chế tài ngăn chặn tình trạng chậm báo cáo và cần sửa quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng cho phù hợp. Thực tế cho thấy, ranh giới phân biệt giữa quà tặng vì tình cảm với quà tặng mang động cơ vụ lợi là rất khó. Đã có cách lách luật thể hiện ở cấp độ cao như việc tặng một cây cảnh, rồi qua Tết bố trí người đến mua lại cây đó bằng giá cao ngất ngưởng lên tới cả tỷ đồng. Cách tặng quà như thế thì khó áp được vào quy định để xử lý người hối lộ lẫn người nhận hối lộ. Quy chế xử lý, khai báo cũng cần nhanh gọn hơn, không thể chỉ dừng lại ở mức báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với dịp Tết năm 2015, đường dây nóng hoạt động tốt hơn và các tin báo có chất lượng cao hơn. Song quá trình phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin, đặc biệt là xử lý đối với các trường hợp vi phạm còn rất khó khăn.

Theo quy định hiện hành, với các tin báo nhận được, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) có trách nhiệm tổng hợp, thông tin thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan nào sẽ chuyển cho cơ quan đó hoặc chuyển cơ quan điều tra nếu có căn cứ. Như vậy, có việc sẽ được chuyển giao cho các địa phương; có việc Cục Chống tham nhũng ghi nhận, nghiên cứu; có việc sẽ triển khai quy trình để thanh tra, kiểm tra.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.