Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hợp lý, thiếu công bằng

Minh Thúy - Bảo Nga| 17/02/2011 07:18

(HNM) - Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) vừa xây dựng phương án thu phí tạo quỹ bảo trì đường bộ trực tiếp theo đầu phương tiện sử dụng đường bộ để thay cho cách thu qua xăng dầu và trạm thu phí như hiện nay. Dự kiến, mỗi mô tô, xe máy sẽ phải chịu mức thu từ 80.000 đến 150.000 đồng/tháng và xe ô tô phải chịu từ 180.000 đến 1.440.000 đồng/tháng…

Báo Hànộimới đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc xung quanh vấn đề này và xin lược ghi một số ý kiến tiêu biểu.

Ông Nguyễn Văn Bắc (lái xe taxi ở huyện Ứng Hòa):
Chưa bảo đảm sự công bằng

Khi đã là quy định thì việc thực hiện phải công bằng với tất cả các đối tượng, song với cách thu phí trực tiếp qua đầu xe sẽ vẫn còn nhiều bất cập, bởi vì lý do nào đó có những xe không hoạt động thường xuyên. Hơn nữa, để thu phí sử dụng đường bộ theo đầu mô tô, xe máy, chủ phương tiện sẽ phải trả phí sử dụng đường bộ theo năm cùng với việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhưng thực tế hiện nay chúng ta chưa hoàn toàn thu được hết bảo hiểm của các chủ xe. Như vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ theo phương thức trên có nguy cơ bị thất thu. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo nhất là với số phí thu được, liệu người dân có được đi trên những con đường an toàn hay không và người dân có được giám sát những công trình từ chính những đồng tiền mình phải bỏ ra? Khi chúng ta có một cơ chế minh bạch, thật sự vì dân, cho dân thì tôi tin cả xã hội sẽ đồng tình hưởng ứng đóng quỹ này.

Ông Hà Văn Hậu (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh):
Mức phí chưa phù hợp với từng đối tượng khác nhau

Một chiếc xe máy Tàu như nhiều người ở nông thôn đang sử dụng hiện nay chỉ đáng giá vài triệu đồng và phần lớn họ chỉ chạy loanh quanh ở địa phương, nay phải gánh thêm 960.000 đồng/năm cho quỹ bảo trì đường bộ, liệu có hợp lý so với thu nhập của họ? Không những thế, hạ tầng cho giao thông nông thôn còn chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường không bảo đảm độ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chúng tôi chấp nhận nộp phí bảo trì cho quỹ này, nhưng phải phù hợp với thu nhập của người dân và tương ứng với cơ sở hạ tầng mà chúng tôi được hưởng. Nếu Nhà nước xây dựng được những tuyến đường thật an toàn, thuận lợi, ai đi trên đường đó phải trả phí, ai không đi thì không phải trả là cách làm phù hợp hơn so với cách thu phí trực tiếp qua đầu xe sử dụng; còn nếu vẫn áp dụng mức thu phí đó, nên thu theo nhiều nấc, khoanh thành nhiều vùng miền, chia nhỏ người sử dụng xe cơ giới, thì mới bảo đảm sự công bằng, hợp lý cho tất cả các đối tượng.

Ông Hoàng Thắng Lợi (Giám đốc Công ty TNHH Chuyển phát nhanh Thành Đạt):
Trăm dâu đổ đầu tằm

Công ty tôi có gần 100 đầu xe, hầu hết là xe tải siêu trường, siêu trọng, xe container, thường xuyên chở hàng từ Sài Gòn ra Hà Nội và ngược lại. Trung bình mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ khoảng 120.000 lít dầu diesel và 400 lít xăng, chi phí lên đến 2 tỷ đồng. Mỗi chuyến đi từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, một xe container tiêu thụ khoảng 1.500 lít dầu diesel, chi phí 3-4 triệu đồng vào tiền cầu, đường. Theo đề xuất mới của Bộ GT-VT, phí bảo trì của xe tải, xe container sẽ là rất lớn (gần 17 triệu đồng/xe/năm). Tính sơ sơ, doanh nghiệp của chúng tôi phải chi cho quỹ bảo trì đường bộ khoảng 2 tỷ đồng/năm, chưa kể khi Luật thuế Môi trường chính thức có hiệu lực, mỗi lít xăng, dầu sẽ phải chịu thêm từ 1.000-4.000 đồng phí bảo vệ môi trường. Hiện tại giá cước vận tải đang phải chịu nhiều tác động từ giá vật tư, phụ tùng tăng, đầu tư xe mới phải gánh lãi suất cao từ ngân hàng… Do vậy, với đề xuất thu phí bảo trì đường bộ này, chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải tăng giá cước và không ai khác, chính người tiêu dùng phải gánh chịu.

Ông Trần Lê Hiệp (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ):
Thu phí xăng dầu theo đầu phương tiện là cách cũ, chưa hợp lý

Vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu, sống chủ yếu bằng lương hưu và thu nhập từ việc bán hàng nước trước cửa nhà. Gia đình tôi có 2 chiếc xe máy, nhưng họa hoằn lắm mới sử dụng. Nếu theo đề xuất thu phí bảo trì đường bộ của Bộ GT-VT như hiện nay, trung bình mỗi năm chúng tôi mất gần 2.000.000 đồng. Đó là điều không thể chấp nhận được. Nếu thu phí bảo trì đường bộ theo cách cũ, mức phí được cộng thẳng vào giá xăng, dầu, chủ phương tiện nào sử dụng nhiều phải nộp phí nhiều, người nào sử dụng ít nộp phí ít. Theo cách tính mới, các phương tiện sẽ bị thu theo kiểu "cào bằng", chưa kể nếu thu phí theo đầu phương tiện, cơ quan chức năng phải có thêm nhân sự để bảo đảm không bị thất thoát nguồn thu. Hơn nữa, theo lý giải của Bộ GT-VT, mục tiêu của việc thu quỹ bảo trợ đường bộ là để phục vụ việc tu sửa, nâng cấp cầu, đường, song ai bảo đảm đường sá sẽ tốt hơn? Thu phí bảo trì đường bộ là điều nên làm, nhưng cách thu và mức thu như thế nào cho công bằng, hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, cần phải được Bộ GT-VT cân nhắc kỹ và lắng nghe dư luận nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa hợp lý, thiếu công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.