(HNM) - Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), đến nay cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN địa phương (trung tâm). Tuy nhiên, hoạt động của hầu hết các trung tâm này còn gặp nhiều trở ngại.
Bài toán nan giải
Từ năm 2010 đến tháng 11-2011, thống kê từ báo cáo của 59/61 trung tâm, có 95 đề tài và 172 dự án đã và đang thực hiện trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, thủy sản, an toàn bức xạ, công nghệ thực phẩm, năng lượng, môi trường… với tổng kinh phí được phê duyệt là hơn 223 tỉ đồng. Chỉ có 32/61 trung tâm thực hiện được các hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ với tổng thu khiêm tốn là gần 25 tỉ đồng… Những con số "biết nói" đó ắt hẳn nói lên nhiều điều.
Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, các địa phương rất cần được ưu tiên đầu tư cho KHCN. Ảnh: TTXVN |
TS Hồ Ngọc Luật (Trưởng ban KHCN địa phương - Bộ KHCN) cho biết, phần lớn các trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 30/61 đơn vị có trụ sở là nhà cấp 4, trong đó có 17 trung tâm đang phải thuê chỗ làm việc, diện tích làm việc khoảng 350m2/trung tâm. Phần lớn đơn vị chưa có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu trong khi nhân lực KHCN còn thiếu và yếu, thiếu chuyên môn về công nghệ - chuyển giao công nghệ.
Trong khi tiềm lực, vật lực của các trung tâm gặp khó khăn thì có một thực tế khác là ngân sách đầu tư từ trung ương về cho hoạt động KHCN địa phương lại không được giải ngân hết. Kinh phí do các UBND tỉnh phê duyệt thường thấp hơn nhiều so với kinh phí trung ương đưa về. Một số tỉnh sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KHCN chưa đúng mục đích, đối tượng. Giai đoạn 2006-2011, tỉ lệ sử dụng trung bình của các địa phương chỉ khoảng 40-45%, có nơi dưới 20%.
Theo ông Vũ Thanh Thoại, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Quảng Ngãi, xét về mặt cơ học thì hoạt động của trung tâm hiện nay tương đối giống như hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đó là, đơn vị phải lo đầu vào, lo hoạt động nội tại bên trong và đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, mô hình này khác doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không ít nơi còn đang "phân vân" xem đây là mô hình hoạt động công ích phục vụ sự nghiệp quản lý nhà nước về KHCN tại địa phương hay tự trang trải kinh phí.
Cần được tiếp sức
Gần đây, Bộ KHCN xác định việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm theo hướng phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương là một trong những ưu tiên của hoạt động KHCN tại cơ sở. Đây sẽ là một phần trong đề án "Nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2020" được Bộ KHCN trình Chính phủ gần đây.
TS Hồ Ngọc Luật cho biết thêm, sẽ phân chia các địa phương theo 3 cấp độ phát triển, từ đó có sự đầu tư cho phù hợp. Trong giai đoạn 2012-2015, các địa phương sẽ phải bố trí kinh phí thực hiện các dự án bình quân hằng năm không dưới 50% tổng kinh phí đầu tư phát triển KHCN. Riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, do ngân sách của hai thành phố này lớn, nên mức này không dưới 10% tổng kinh phí đầu tư phát triển cho KHCN. Cùng thời gian này, mức đầu tư từ ngân sách trung ương (cùng với dự án nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng) thông qua ngân sách địa phương sẽ là khoảng 4.546 tỉ đồng, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được thụ hưởng 596 tỉ đồng… Mục tiêu đến năm 2015 là 100% các trung tâm được đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm để có thể thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Đồng Nai cho rằng, cần xây dựng riêng một cổng thông tin điện tử để Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KHCN) và trung tâm các tỉnh, thành cập nhật thông tin hoạt động cũng như chia sẻ kinh nghiệm trên toàn hệ thống. Cùng với đó, rất cần cho các trung tâm được vay vốn không lãi suất từ Quỹ Phát triển KHCN.
"Muốn trung tâm hoạt động tốt hơn, hằng năm Bộ KHCN, Sở KHCN cần có kế hoạch nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN, kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm cho trung tâm như các đơn vị sự nghiệp chuyên ngành khác gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Lê Công Nhường, Phó Giám đốc Sở KHCN Bình Định chia sẻ.
Còn một thực tế khác, ở các địa phương đang có sự chồng chéo nhất định trong mô hình hoạt động của trung tâm khuyến công, trung tâm khuyến ngư, trung tâm khuyến nông và trung tâm ứng dụng KHCN. Ba mô hình đầu có đối tượng hướng đến lần lượt là kinh tế tập thể, ngư dân, nông dân, trong khi trung tâm ứng dụng KHCN cũng hướng đến cả ba và thêm khối doanh nghiệp. Nhiều địa phương có nguyện vọng tập hợp các đầu mối này thành một cơ quan nhưng mới chỉ dừng ở ý tưởng vì việc này không thuộc thẩm quyền của họ khi bộ máy, đi kèm đó là ngân sách riêng từng ngành không dễ gì điều phối. Đây cũng sẽ là thách thức với ngành KHCN thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.