Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hết lo

Người Tiêu dùng| 09/07/2012 07:27

Từ sáng 2-7, giá gas trên thị trường bán lẻ giảm 36.000 đồng một bình 12kg. Đây là tin vui song việc giá gas tăng, giảm thất thường như vậy lại khiến người tiêu dùng chưa thật yên tâm bởi tính thiếu ổn định trong quản lý, điều hành giá mặt hàng thiết yếu này.


Chưa có con số thống kê tại Hà Nội song từ đầu năm đến nay, tại các địa phương phía nam đã có 5 trạm chiết nạp gas lậu với quy mô lớn bị triệt phá. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT đã xử lý 154 vụ (trong đó có 22 cửa hàng mua bán các loại bình gas trôi nổi trên thị trường và 4 vụ chiết nạp gas trái phép), tịch thu 1.552 vỏ bình gas...

Những con số trên khiến người tiêu dùng có lý do để bức xúc bởi họ không chỉ bỏ tiền thật mua hàng dởm mà còn lo về mức độ an toàn khi sử dụng sản phẩm gas không bảo đảm an toàn. Vấn nạn gas dởm ngày càng phát triển là do một số địa phương cấp phép cho các trạm sang chiết nạp gas quá dễ dãi nhưng lại bỏ qua khâu hậu kiểm, dẫn đến việc các cơ sở này đăng ký kinh doanh một đằng làm một nẻo, hoạt động sang chiết gas lậu ngày càng tinh vi, tính toán sẵn biện pháp đối phó khi bị kiểm tra, kiểm soát...

Giải quyết tình trạng này là yêu cầu cấp thiết nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về xử phạt các hành vi vi phạm trong kinh doanh gas như Nghị định 107/CP (năm 2009), Nghị định số 105/CP (năm 2011)... Tuy nhiên, do buông lỏng thị trường gas trong thời gian dài, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương lại thiếu nghiêm túc trong công tác quản lý nên thị trường chưa có chuyển biến nhiều. Đối với các trạm sang chiết nạp gas (được xác định là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất an toàn trong sử dụng gas hiện nay), Bộ Công thương lại chỉ mới có các văn bản quy định về an toàn cháy nổ mà chưa có văn bản cụ thể nào về kiểm soát sản xuất, kinh doanh gas, như quy định nơi sang chiết gas phải được thiết kế thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát từ bên ngoài hàng rào… Bên cạnh đó, đại bộ phận người tiêu dùng chưa được tuyên truyền, phổ biến để hiểu biết rõ về các quy định của pháp luật trong sử dụng gas an toàn, nhiều khi chỉ vì hám rẻ, thích hàng khuyến mãi… mà "vô tư" trao đổi vỏ bình, vô tình tiếp tay cho việc thu gom, hoán cải vỏ gas, làm cho các công ty kinh doanh gas chân chính bị mất vỏ, còn người tiêu dùng thì mất an toàn khi sử dụng gas.

Thế nên, nói giá gas giảm song người tiêu dùng vẫn chưa hết lo là vậy!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa hết lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.