Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hấp dẫn nông dân

Đỗ Hà| 15/04/2010 07:16

(HNM) - Sau 6 năm triển khai dự án "Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam" do Bộ NN&PTNT và Tổ chức Hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện, đến nay Hà Nội đã xây dựng trên 9.000 hầm biogas. Hầu hết số hầm biogas đều đạt hiệu quả, được người chăn nuôi đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhiều huyện vẫn chưa đạt kế hoạch.

Lợi cả đôi đường

Bà Bùi Thị Phương, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai cho biết, mỗi lứa gia đình bà nuôi 20 con lợn thịt và 3 con lợn nái. Trước đây, do lượng chất thải chăn nuôi nhiều, chưa có biện pháp xử lý nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Được sự hỗ trợ của chương trình KSH, tháng 5-2009 gia đình bà đã xây 1 hầm biogas 12m3 với tổng kinh phí 10 triệu đồng (trong đó chương trình KSH hỗ trợ 1,2 triệu đồng). Hiện hầm biogas cung cấp đủ lượng khí đốt dùng trong sinh hoạt. Từ khi có hầm biogas, mỗi tháng hộ bà Phương tiết kiệm khoảng 300 nghìn đồng do không phải mua chất đốt; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra; giảm nguy cơ dịch bệnh đối với đàn gia súc; đồng thời giải phóng được nhiều sức lao động. Ngoài ra, bà Phương còn sử dụng phụ phẩm từ hầm biogas để tưới bón cho rau màu, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn, vừa tăng năng suất cây trồng.

Các hộ gia đình chăn nuôi lớn ở ngoại thành Hà Nội đều xây hầm biogas phục vụ đời sống và giữ gìn môi trường. Ảnh: Thái Hiền

Theo Văn phòng dự án KSH Sở NN&PTNT Hà Nội, sau hơn 6 năm triển khai dự án, toàn TP đã xây dựng được trên 9.000 hầm biogas, nâng tổng số hầm biogas toàn TP từ trước đến nay ước đạt 40.000 hầm. Như vậy, có thể nhận thấy cái lợi rõ nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo nguồn năng lượng sạch, rẻ tiền; giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và con người... Cạnh đó, lợi ích từ xây dựng hầm biogas đã đáp ứng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà dự án đề ra là "Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống thông qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của công trình KSH quy mô hộ gia đình; góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính; cung cấp phụ phẩm KSH cho trồng trọt và chăn nuôi, tạo sản phẩm sạch". Tuy nhiên, theo Văn phòng dự án KSH Hà Nội, số hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas còn ít (mới đạt khoảng 10% số hộ chăn nuôi toàn TP). Hằng năm, nhiều địa phương không hoàn thành chỉ tiêu giao. Đơn cử, năm 2009 huyện Thường Tín không xây được hầm nào (kế hoạch là 20 hầm); huyện Từ Liêm mới xây được 7/20 hầm; huyện Ba Vì xây được 80/200 hầm...

Còn nhiều khó khăn

Ông Hoàng Quốc Hưng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Từ Liêm cho biết, nguyên nhân chính khiến việc xây dựng hầm biogas trên địa bàn huyện khó thực hiện là do hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Ở huyện Chương Mỹ, nhiều hộ chăn nuôi không mặn mà với việc xây dựng hầm biogas vì kinh phí bỏ ra lớn, trong khi đời sống người dân còn khó khăn (1 hầm biogas 12m3 khoảng 10 triệu đồng). Ngoài ra, muốn xây 1 hầm biogas, nhiều hộ phải quy hoạch lại hệ thống công trình phụ từ khu chăn nuôi, đến khu nhà bếp, nhà vệ sinh... nên nhiều hộ chưa có điều kiện làm, phải chịu sống chung với ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Đình Khảm, Trạm Khuyến nông Ứng Hòa cho rằng, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư cũng là nguyên nhân khiến thực hiện dự án gặp khó khăn.

Theo ông Vũ Bình Nguyên, Phó Giám đốc Văn phòng dự án KSH Sở NN&PTNT Hà Nội, bên cạnh khó khăn khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như tính chủ động trong triển khai, năng lực của đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ thợ xây ở một số nơi hạn chế nên dự án chậm. Để triển khai rộng rãi đến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn TP, ông Nguyên đề nghị các địa phương cần quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư để người chăn nuôi có điều kiện về quỹ đất xây dựng khu xử lý chất thải theo mô hình hầm biogas, tăng cường hỗ trợ kinh phí, nâng mức cho vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa đội ngũ kỹ thuật viên và thợ xây dựng; thường xuyên tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của việc xây dựng hầm biogas.

- Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện TP có trên 1.200 trang trại chăn nuôi, trong đó có tới gần 80% số chuồng trại được xây dựng ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

- Năm 2010, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 3.360 hầm biogas ở 19 huyện, thị xã.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hấp dẫn nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.